Là một giáo viên dạy Ngữ văn, tham gia sáng tác văn thơ, sau đó làm cán bộ quản lý nhưng tôi vẫn không ngừng tích lũy vốn từ ngữ, vốn văn học cho mình.
Khi có vốn văn học, vốn từ ngữ thì việc diễn đạt ý tưởng mới gây ấn tượng với người nghe (khi nói, giảng), với người đọc (khi viết).
Nhưng làm sao để tích lũy một số lượng lớn từ ngữ, vốn văn học trong khi thời gian có hạn? Bởi vì đâu phải lúc nào cũng rảnh rỗi để làm công việc đó .
Không giấu giếm điều gì, tôi tích lũy vốn từ ngữ đó qua việc đọc sách báo, tạp chí. Ngay từ nhỏ, lúc lên tám tuổi (học lớp 2) tôi đã đọc Chinh phụ ngâm khúc. Sách của người chú rất mê đọc sách. Do truyền thống gia đình và bên ngoại, có những người cậu, người dì mê sách từ rất lâu.
>> 'Chí Phèo ăn vạ, chị Dậu vùng lên' có còn phù hợp?
Trong sáu anh em nhà tôi, chỉ có tôi và một người em mê đọc sách. Sách, báo thuở ấy rất hiếm (thập niên 60, 70 của thế kỷ XX trên miền Bắc). May mắn hồi đó có người cậu học ở Hà Nội, thỉnh thoảng về nhà có mua những cuốn sách cho gia đình; trong đó có cuốn Hát dặm Nghệ Tĩnh (Quyển Thượng).
Hơn một ngàn bài hát dặm tôi đã say mê đọc từ lớp bốn, lớp năm (tương đương lớp sáu, lớp bảy bây giờ). Từ ngữ trong từng bài cụ thể, trong văn cảnh cụ thể mới sống động, mới làm cho mình nhớ lâu.
Đó có khi toàn những từ láy mà nó thấm vào máu thịt tự lúc nào chẳng rõ: "Mùi cúc thơm phất phảng/ Tiếng trùng dạ tiêu điều/ Đèn khuya ngọn hiu hiu/ Sao tối trời thấp thoáng/Ếch ngoài ao ệnh oạng/ Dế bên cửa rì rì/ Vừng trăng khuyết canh khuya/ Đám mây Tần rải rác/ Con gà kêu xao xác/ Vừng ác hiện tờ mờ/ Giấc quế mẹ thẫn thờ/ Ruột tằm mẹ thờ thẫn (...)/ Gió heo đưa lồng lộng/ Nước triều chảy dập dờn/ Ngựa lẩm chẩm chân chồn/ Cá lờ đờ cá lội..."(Mẹ dòng than thở cùng con).
Từ ngữ trong các sách từ điển chỉ là những xác chữ; nó chỉ sống lại khi nhập vào dòng chảy tác phẩm. Do đó, không thể cầm cuốn từ điển đọc hàng ngày để có vốn từ ngữ vì không thể nhớ được như một từ nằm trong mạch câu, mạch chữ...
Vì vậy, chỉ có đọc sách mới tự mình làm giàu cho mình vốn từ ngữ, vốn văn học. Bên cạnh đó, đọc sách giúp mình có vốn sống mà chúng ta thường gọi là kỹ năng sống. Nhưng làm sao để chúng ta có hứng thú đọc sách trong thời buổi mạng và "phây" (Facebook) ngự trị?
Đọc sách giấy có thời gian nghiền ngẫm hơn, suy luận hơn học sách trên máy và ít mỏi mắt hơn. Các bậc phụ huynh cần tạo niềm vui cho con em đọc sách; chủ nhật đưa con đế đường sách, đến siêu thị sách và chia sẻ với các con về sách.
>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu
Mặt khác, đọc sách cần có sự lựa chọn phù hợp, có sự định hướng đúng đắn. Đọc say mê nhưng cũng cần tỉnh táo để bình tâm chiêm nghiệm những điều mình cảm nhận được... Thầy cô cũng là người cần tạo cho mình thói quê đọc sách; cùng trao đổi sách với học sinh; cùng tranh luận với các em về những vấn đề tâm đắc trong một vài cuốn sách nào đó...
Đọc sách, bắt nguồn từ đam mê, từ sự chăm chút, động viên của cha mẹ, thầy cô và cộng đồng xã hội. Đọc sách mình sẽ nhận được nhiều niềm vui, nhiều ích lợi trong những trang sách tưởng chừng lặng lẽ. Có phải vì thế mà người xưa có nói: " Thư trung hữu nữ nhan như ngọc" (Trong cuốn sách có người con gái đẹp như ngọc).
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.