Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I, hàng loạt đại gia ngành ẩm thực, tiêu dùng Mỹ chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc. Vua chuỗi cà phê Starbucks giảm 16%, Tyson Foods - trùm thịt bò, lợn và gà - giảm 9%, còn Yum - chủ sở hữu KFC - giảm 6%.
Ngoài các yếu tố như kinh doanh trì trệ ở Trung Quốc, bất ổn ở Trung Đông, USD mạnh, thì lý do đáng chú ý khác là lần đầu tiên tiêu dùng tại Mỹ trì trệ kể từ Covid-19. Theo đó, giá cả leo thang khiến người tiêu dùng ít mua sắm và ăn ngoài hơn.
CEO Starbucks Laxman Narasimhan xác nhận tình hình hết sức tồi tệ, với doanh số trên mỗi cửa hàng giảm 4%. "Kết quả hoạt động trong quý này đáng thất vọng và không đáp ứng được kỳ vọng", ông nói.
Từng được giới phân tích kỳ vọng tăng trưởng, doanh số KFC cũng giảm 2% trong 3 tháng đầu năm. Tương cà Kraft Heinz cũng chứng kiến doanh số đi xuống khi tiêu thụ ở các nhà hàng yếu đi.
Ngay cả gã khổng lồ đồ tiêu dùng Procter & Gamble, chủ sở hữu tã giấy Pampers và dao cạo râu Gillette, cũng thừa nhận gặp "những trở ngại" khi doanh số bán hàng thấp hơn kỳ vọng, chỉ tăng 3%.
Theo Le Monde, người Mỹ đang bắt đầu thắt lưng buộc bụng do đã dần kiệt sức vì ước tính lạm phát tích lũy lên tới 20% kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức.
Vào thời điểm ông Biden trở thành chủ Nhà Trắng (tháng 1/2021), lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 1,4% và đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022. Dù đã giảm xuống 3,5% vào tháng 3/2024, nhưng nó vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Fox News cho hay, dưới thời Biden, lạm phát tổng thể (đã được điều chỉnh theo mùa) tăng 18,9% giai đoạn 1/2021 - 3/2024. Trong cùng thời gian, chi phí thực phẩm tăng 21%, chỗ ở tăng 20,5% và năng lượng tăng 36,9%.
Melanie Boulden, Trưởng bộ phận thực phẩm chế biến sẵn tại Tyson Foods nói lạm phát tích lũy 20% trong 3 năm qua đã khiến khách hàng thận trọng và nhạy cảm hơn về giá. "Người tiêu dùng đang chịu áp lực, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp", bà nói. CEO McDonald's Chris Kempczinski đồng quan điểm.
Nhiều tháng nay, Tổng thống Joe Biden liên tục ca ngợi thành tích kinh tế của mình. Nhóm vận động tranh cử của ông cũng tin rằng người dân Mỹ chưa đánh giá cao nhưng cuối cùng sẽ công nhận. Tuy nhiên, hy vọng đang mờ dần khi 6 tháng trước bầu cử, lạm phát cộng dồn đến 20%.
Một số mặt hàng quen thuộc với người tiêu dùng thậm chí còn tăng mạnh hơn 20%. AP chỉ ra vài loại thực phẩm không tăng giá nhanh như trước nhưng giá trung bình hiện vẫn cao hơn cách đây 3 năm một cách đáng kinh ngạc.
Ví dụ, một chai nước ngọt 2 lít có giá trung bình là 1,67 USD tại các siêu thị trên khắp nước Mỹ vào tháng 2/2021, trước khi lạm phát bắt đầu nóng lên. Ba năm sau, nó có giá khoảng 2,25 USD, tăng 35%. Hay giá trứng từng tăng vọt vào 2022 và sau đó giảm xuống. Tuy nhiên, nó vẫn cao hơn 43% so với 3 năm trước.
Niềm tin tiêu dùng vì thế đang suy giảm thay vì tăng lên như kỳ vọng. Ví dụ, chỉ số niềm tin giảm mạnh trong tháng 4, được đo bởi Conference Board. Một cuộc thăm dò của Fox News vào tháng 3 cho thấy chỉ 38% người Mỹ tán thành cách điều hành kinh tế của ông Biden.
CEO Citigroup Jane Fraser đánh giá người tiêu dùng có thu nhập thấp thận trọng hơn nhiều. "Họ cảm thấy áp lực nhiều hơn về chi phí sinh hoạt vốn đã cao và ngày càng gia tăng vì phải trả lãi vay cao hơn dù có việc làm", ông nói.
Một bất lợi khác là việc làm đang chậm lại. Mỹ chỉ tạo được 175.000 việc làm trong tháng 4, giảm mạnh so với con số 315.000 của tháng 3, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,8% lên 3,9%.
Lĩnh vực khách sạn và giải trí hầu như không tạo ra việc làm. Tăng trưởng tiền lương giảm trong tháng 4 xuống 3,4% trong hai năm, so với 5,8% hai năm trước. Thị trường lao động yếu thắp hy vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9, tức trước cuộc bầu cử tổng thống.
Nhưng dù kịch bản này diễn ra, lãi suất sẽ không giảm đủ nhiều để vực dậy thị trường bất động sản vào tháng 11. Trong khi, giá một gallon xăng đã tăng lên 3,65 USD so với 3,2 USD hồi đầu năm, còn tỷ lệ thất nghiệp có thể vượt 4%.
Trong bối cảnh này, các chủ ngân hàng ở Phố Wall đang dự báo thận trọng hơn nhiều về tương lai. "Thật khó để hạ cánh nhẹ nhàng", CEO Citigroup Jane Fraser bình luận.
Phiên An (theo Le Monde, AP, Fox)