Nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố đề cập tới sức ép lạm phát của Việt Nam trong năm nay.
TS Tô Trung Thành, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết nguyên nhân thứ nhất của tăng lạm phát đến từ giá hàng hoá cơ bản, cộng thêm căng thẳng quân sự Nga – Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước. Lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng tạo áp lực đến lạm phát của Việt Nam.
Yếu tố thứ hai là tỷ lệ cung tiền, tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực ASEAN trong khi tăng trưởng đang thấp hơn nhiều so với sản lượng tiềm năng. Điều này cho thấy dấu hiệu của sức ép rủi ro lạm phát trong trung và dài hạn.
"Thực chất tỷ lệ cung tiền hay tín dụng trên GDP của Việt Nam đã cao trong những năm qua, nhưng thời điểm đó, tốc độ tăng trưởng sát với tiềm năng -khoảng 6,12-6,32%. Nếu GDP quanh mức này thì bên trong nền kinh tế đạt được sự cân bằng và không có nhiều sức ép về lạm phát. Còn 2 năm qua, tăng trưởng của Việt Nam lại thấp", ông Thành giải thích.
Trước áp lực này, nhóm nghiên cứu cũng đánh giá, lạm phát của Việt Nam trong năm nay khó duy trì dưới 4% - con số mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Bởi mục tiêu này được đưa ra tháng 10/2021, thời điểm chưa lường đến giá xăng dầu có thể bất ổn như hiện nay. Thống kê của nhóm nghiên cứu cho thấy, tính đến 11/3, nếu theo diễn biến giá xăng dầu, hàng hoá này đã tăng 45,2% so với cuối năm ngoái. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến CPI tăng 0,5-0,6% - dẫn đến khả năng giữ được mục tiêu lạm phát dưới 4% khó đạt được.
Lo ngại về rủi ro lạm phát ở Việt Nam gần đây cũng được nhiều tổ chức quốc tế đề cập. IMF tuần trước dự báo chỉ số này đạt 3,9% cuối năm nay, còn Standard Chartered Bank đưa ra viễn cảnh lạm phát vượt 4% trong năm 2022 và có thể đạt mức 5,5% vào 2023.
Số liệu của Tổng cục Thống kê quý I/2022 cho biết, CPI đã tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh bão giá chưa từng có thời gian qua. Tuy nhiên, cơ quan thống kê cũng cho rằng Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình vì con số này tuy cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng quý I của các năm 2017-2020. Lạm phát cơ bản tăng 0,81%.
Để kiểm soát lạm phát, ông Tô Trung Thành cho biết tăng trưởng vẫn là mục tiêu cần đạt được nhất, để giúp nền kinh tế cân bằng. Theo đó, Việt Nam cần thực hiện các chính sách tập trung kích thích tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại mức sản lượng tiềm năng.
Theo nhóm nghiên cứu, tài khóa là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khoá ở mức 5-6% GDP trong ít nhất 2-3 năm. Tức là Việt Nam cần theo đuổi chính sách tài khoá nghịch chu kỳ giai đoạn này, chấp nhận bội chi cao để ưu tiên cho tăng trưởng. Tuy nhiên, nhóm lưu ý, chính sách này chỉ hợp lý khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả.
Ngược lại, chính sách tiền tệ được nhìn nhận không nên quá tập trung do dư địa không còn nhiều, việc giảm lãi suất khó khăn... "Điều cần làm lúc này là Chính phủ chú trọng chuyển hướng dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản để tránh rủi ro lạm phát", ông Tô Trung Thành nói.
Đức Minh