Con virus đã làm đảo lộn mọi kế hoạch, và chúng ta buộc phải "làm lành" với một tương lai mới - bất bình thường vĩnh viễn. Câu hỏi lớn đang đặt ra với Chính phủ là: với nguồn lực rất hạn hẹp, giải pháp nào có thể tác động tức thời và tích cực nhất đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm và sang 2021. Chúng tôi gọi là giai đoạn khủng hoảng Covid hậu hiện tại.
Tôi đã chia sẻ quan điểm của mình với các chuyên gia và nhà quản lý. Theo tôi, để bảo toàn GDP trong ngắn và trung hạn, có nhiều nhóm giải pháp. Song các ưu tiên Việt Nam có thể thực hiện càng sớm càng tốt là: hỗ trợ và thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế mới, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và sức cầu nội lực. Cụ thể là tập trung vào hạ tầng mềm và hạ tầng cứng.
Thứ nhất, phát triển mạnh ngành kinh tế không tiếp xúc. Thực ra, đó là một phần kết quả nếu chúng ta theo đuổi chiến lược nâng cấp hạ tầng viễn thông để hỗ trợ phát triển kinh tế số - hạ tầng mềm.
Việt Nam mới có khoảng 50% dân số sử dụng Internet, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, kết nối phần lớn qua điện thoại thông minh. Ngoài ra, chất lượng mạng Internet của Việt Nam đang ngày càng kém. Điều kiện để có thể phát triển kinh tế số là tập trung nguồn lực nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại, phủ sóng toàn quốc công nghệ 4G ở khu vực nông thôn và miền núi, 5G ở các đô thị lớn, đầu tư hạ tầng kết nối Internet băng thông rộng, đầu tư thêm đường cáp quang biển để đảm bảo đường truyền không bị đứt gãy.
Nếu nhà nước trợ giá, miễn phí sử dụng Internet cho khu vực nông thôn, miền núi sẽ tạo ra đột phá quan trọng để gia tăng số người tiếp cận kinh tế online. Internet nông thôn chưa được phổ cập nhiều, việc miễn phí là một chính sách rất hay, vừa được lòng dân, vừa tốt cho kinh tế và xã hội và không quá tốn kém. Đây cũng chính là nền tảng để có thể áp dụng các dịch vụ công không tiếp xúc như thủ tục hành chính, học online, phòng bệnh và khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong phát triển các ngành kinh tế không tiếp xúc mới.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng cứng, bao gồm logistic và giảm chi phí liên quan đến logistic. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở nhất thế giới. Tổng lưu lượng hàng hóa đi vào - ra khỏi Việt Nam ước trên 500 tỷ USD mỗi năm, gấp đôi GDP. Chi phí logistic của quốc gia hiện chiếm tới 21% GDP - thuộc nhóm cao nhất thế giới. Giảm được phí này mới tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và thúc đẩy được xuất khẩu.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, việc gỡ được các điểm nghẽn tại các cửa khẩu chủ lực giúp hàng xuất, nhập khẩu được thông quan nhanh, giảm chi phí, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt. Làm sao cải thiện hạ tầng cho 12 cửa khẩu chính, nơi trên 90% tổng lượng hàng hóa đang đi qua, bao gồm: Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; các tổ hợp cảng biển TP HCM, Hải Phòng, Vũng Tàu, Cái Lân, Tiên Sa; các tổ hợp cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Trị và Tây Ninh?
Riêng cửa khẩu hàng không Nội Bài, hiện chiếm tới 75% giá trị xuất khẩu hàng hóa qua đường hàng không, đang rất cần đẩy nhanh đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh thứ ba, nâng cấp ga hàng hóa, xây dựng các kho trung chuyển. Các "đại bàng" như Samsung, Apple sẽ không mở rộng sản xuất ở Việt Nam nếu thấy đường hạ, cất cánh đang ngày càng tắc nghẽn. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực hải quan giúp thông quan nhanh hàng hóa thông qua việc bổ sung nhân lực cho các cửa khẩu này, giảm các thủ tục để thông quan nhanh nhất bằng mọi cách mới có thể "cởi trói" cho hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Hàng hóa vận chuyển đường bộ đang chiếm tới 75% tổng lưu lượng hàng hóa ở Việt Nam. Chi phí xăng dầu và lộ phí chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp vận tải. Chính phủ nếu mạnh dạn bỏ tất cả các loại thuế và phí liên quan đến xăng dầu, đang chiếm 64% trong tổng giá xăng dầu hiện nay, sẽ tạo nên đột phá. Sẽ tốt hơn nhiều nếu nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc trả thay họ các khoản phí đường bộ bao gồm cả phí BOT - điều đang gây bức xúc. Giảm thuế, phí luôn tác động tức thời đến các doanh nghiệp. Trước đây chưa có Covid, doanh nghiệp có thể không cần. Nay, các can thiệp trên sẽ giúp chi phí logistic giảm tức thời và tăng được sức mạnh của họ.
Năng lượng tái tạo đang là xu hướng mới của nhân loại. Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân vẫn lực bất tòng tâm vì đã sản xuất điện mặt trời song không kết nối được với mạng lưới điện quốc gia. Ngoài ra, chính sách về giá điện luôn bất định, thay đổi hàng năm và văn bản thường ra rất chậm là cản trở chính cho việc phát triển ngành năng lượng mới và bền vững của Việt Nam. Nếu nâng cấp hạ tầng cho các điểm đã được quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, có chính sách giá điện ổn định và lâu dài - ít nhất 5 năm mới sửa đổi một lần - ta có thể thúc đẩy xã hội đầu tư và giảm ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng từ các nhà máy nhiệt điện.
Cuối cùng, bằng mọi giá Chính phủ phải giữ được sức bật của hai thành trì quan trọng của nền kinh tế là TP HCM và Hà Nội để tránh một sự sụp đổ hoàn toàn.
Vấn đề là, để làm được những thay đổi trên, chúng ta sẽ phải đánh đổi bằng việc giảm mạnh thu ngân sách và bội chi sẽ tăng lên rất nhiều. Tôi mong những cải cách của Chính phủ sẽ nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của Quốc hội.
Phùng Đức Tùng