Vào đại học, mẹ vay 20 triệu đồng để mua cho tôi laptop phục vụ học tập. Tôi thuyết phục mẹ mua cái đó thay vì chỉ mua loại 10 triệu đồng vì nó sẽ yếu, sử dụng không hiệu quả. Mẹ đồng ý. Năm thứ nhất tôi bắt đầu tìm hiểu thị trường tài chính, trau dồi kiến thức và nhận dịch thuật cho các dự án, tiền công là một số cổ phần nhỏ nếu dự án thành công khi huy động vốn. Tôi vừa ham học hỏi vừa tìm kiếm cơ hội nên bỏ ra mỗi ngày 10 tiếng dịch thuật, chỉnh sửa trong vòng ba tháng dù chỉ là lời nói miệng về tiền công.
Sau sáu tháng, 80 % dự án thất bại, tôi chẳng nhận được gì cho công sức mình bỏ ra, 10 % dự án nhận lại chỉ đủ công dịch bài bình thường, 10% lại trở thành những dự án tốt và tôi nhận được 10.000 USD đầu tiên cho công sức của mình. Tôi không hề rút ra chi tiêu mà tái đầu tư và thua lỗ, chỉ còn gần 4.000 USD dù cuộc sống thật sự chẳng dư dả, đến cái điện thoại cũ mua chỉ có ba triệu đồng cũng không muốn đổi vì thật sự thấy không cần thiết, không đem lại giá trị gì cho mình. Tôi cũng chẳng tự thưởng cho bản thân những thứ đắt tiền hay những cuộc vui vô bổ.
>> Tương lai nên làm gì khi đã có 46 tỷ đồng ở tuổi 30
Tôi kiên trì đầu tư bốn năm ròng rã, tận dụng triệt để mọi cơ hội và không ham những thú vui vô bổ. Số tiền của tôi tăng dần từ chưa đến 4.000 USD lên các mức và có khi tới 50.000 USD. Sau hai năm tôi có 100.000 USD đầu tiên, đó vốn là mơ ước của tôi cho dự định gửi tiết kiệm để có nguồn tài chính tốt hơn. Tôi vẫn tiếp tục đầu tư thêm hai năm ròng rã và con số hiện tại đã có một triệu USD, cột mốc này vừa đạt trong tháng trước. Giờ tôi vẫn đầu tư thụ động và chủ động, rủi ro thấp, lợi nhuận khoảng 700 đến 1.000 USD mỗi ngày. Tôi mông lung không biết nên làm gì với số tiền này, dự định để một nửa tiếp tục duy trì đầu tư, một nửa mua nhà cho thuê và xây nhà cưới vợ. Nếu các bạn hỏi tôi bí quyết để tích lũy tài sản, xin được chia sẻ như này: Chi tiêu hợp lý, đúng mục đích, hiệu quả tối đa. Hãy là người tiêu dùng thông minh.
Ví dụ khát nước bạn nhớ đem theo chai nước lọc để uống thay vì bỏ 50 nghìn đồng mua trà sữa giải khát, vừa hại sức khỏe lại tốn kém. Việc đổi điện thoại mới vì máy cũ chậm, thay vì bỏ 20 triệu đồng, ta có thể bỏ ra bốn, năm triệu đồng và hai, ba năm đổi điện thoại mới một lần, vừa hiệu quả chi phí vừa hiệu quả chức năng. Thay vì sợ thanh toán hóa đơn tiền điện chạy điều hòa để rồi lại ra cà phê, trà sữa giải nhiệt, ta có thể ở nhà học hỏi trau dồi kiến thức bản thân. Hãy đăng ký mạng wifi riêng, đừng sợ tốn kém, sử dụng mạng ké hoặc dùng chung với hàng xóm, như thế sẽ gây chập chờn, rước bực tức vào người, giảm hiệu quả công việc và học tập. Mua hàng nên trả thẳng thay vì trả góp, tâm lý khi mua trả thẳng vừa giúp bạn hình thành thói quen tích trữ tiết kiệm tiền vừa tiết kiệm khi nó rẻ hơn nhiều.
Minh
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc