Pháp luật về lao động không có quy định nào cho phép người sử dụng lao động (doanh nghiệp) được đặt điều kiện lao động nữ không được mang thai trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động. Do vậy, giữa doanh nghiệp và người lao động dù có thỏa thuận miệng hay bằng văn bản về việc này thì đều trái pháp luật.
Để bảo vệ thai sản, khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì các lý do: kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
Mặt khác, pháp luật còn quy định lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước. Tuy nhiên, người lao động phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Như vậy, với các quy định nói trên, việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (có xác nhận của cơ quan y tế) là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Về số tiền lương còn thiếu, bạn cần gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp thanh toán nốt cho bạn. Trường hợp không được giải quyết, bạn có thể gửi đơn đến Phòng Lao động Thương binh và xã hội cấp huyện nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để được giúp đỡ. Kèm theo đơn là các tài liệu có liên quan để được xem xét, giải quyết.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội