Ngày 8/11, ThS.BS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec), cho biết cận thị còn được gọi là "tật nhìn gần", một vấn nạn của xã hội bởi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như các nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ. Tật khúc xạ này đang ảnh hưởng tới gần 30% dân số thế giới.
Thị lực kém do cận thị gây khó khăn cho học tập và sinh hoạt, hạn chế trong giao tiếp cũng như các hoạt động ngoài trời. Trẻ hiểu bài chậm, nhìn nhầm,... do nhìn không rõ, kết quả học tập giảm sút. Trẻ mệt mỏi không hào hứng đọc sách và học bài, là những hệ lụy do cận thị đem lại.
"Các chuyên gia nhãn khoa không thể chữa được cận thị mà chỉ dùng các biện pháp chỉnh quang nhằm giúp trẻ có thị lực tốt nhất để học tập, sinh hoạt và làm việc với chất lượng cuộc sống tốt nhất", bác sĩ Ngọc nói.
Cùng với sự phát triển về thể chất và chiều cao (trước 18 tuổi) của trẻ, cận thị luôn có xu hướng "tăng số" (cận thị tiến triển). Một số nguyên nhân có thể dẫn đến khởi phát và tiến triển cận thị là: Thói quen đọc sách, sử dụng thiết bị điện tử không đúng; nhìn gần trong thời gian dài; học tập và làm việc trong môi trường ánh sáng kém, ánh sáng xanh; ít tham gia các hoạt động ngoài trời; chế độ ăn uống và dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vitamin và các vi chất; yếu tố di truyền...
Cận thị được xem là tiến triển nhẹ khi mức độ tăng số trung bình dưới 0,5D/ năm. Khi cận thị tăng từ 2,00D mỗi năm được gọi là cận thị tiến triển nhanh và rất nhanh. Ở khu vực Đông Nam Á, 24% trẻ cận thị có mức độ tiến triển nhanh sẽ trở thành cận thị nặng ở tuổi trưởng thành.
Theo bác sĩ Ngọc, cận thị khởi phát sớm, cận thị cao, tiến triển cận thị nhanh là 3 yếu tố nguy cơ cao gây bệnh lý tổn hại nhãn cầu nặng nề. Cận thị nặng có nguy cao cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa thị lực như: tổn thương thoái hóa hắc – võng mạc, bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, glocom, đục thủy tinh...
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ thuận giữa sự gia tăng cận thị, cận thị nặng và tỷ lệ khiếm thị, mù lòa. Tương tự, trên những mắt cận thị nặng, nguy cơ thoái hóa võng mạc chu biên và bong võng mạc cũng tăng từ 40-20 lần. Quản lý được 1,00D cho mắt cận thị giúp làm giảm được 40% nguy cơ các biến chứng cho võng mạc nói trên.
Vì vậy, cần quản lý cận thị nhằm hạn chế tỷ lệ khiếm thị và mù lòa do cận thị gây ra. Quản lý cận thị là việc xây dựng kế hoạch phối hợp giữa thầy thuốc nhãn khoa, phụ huynh học sinh, thầy cô và trẻ nhằm làm chậm thời gian khởi phát cũng như giảm sự tiến triển của cận thị.
Như trường hợp bé gái 11 tuổi ở Thanh Trì (Hà Nội) có mắt phải đang đeo -2,50D độ cận với -0,75D độ loạn; mắt trái đeo -2,25D độ cận. Lần này đến khám, gia đình "tá hỏa" bởi bác sĩ kê cho con một đơn kính mới với mắt phải tăng 0,5D và mắt trái tăng 1,25D.
Chiều dài trục nhãn cầu của trẻ đo trên máy là 25,16 mm và 25,46 mm. Mục tiêu trong kiểm soát cận thị là độ dài trục nhãn cầu không tăng quá 26 mm để hạn chế tối đa những nguy cơ về sức khỏe mắt. Tại đây trẻ được khám và được đưa vào danh sách quản lý cận thị tại bệnh viện, nhằm kiểm soát độ cận và chăm sóc đôi mắt kịp thời.
Để không bị tăng độ, trẻ cần tham gia chương trình kiểm soát cận thị tại cơ sở y tế. Thông thường, cần khám mắt, đo khúc xạ định kỳ mỗi 6 tháng. Tùy mức độ cận và tình trạng đáp ứng điều trị, bác sĩ có thể đeo kính gọng, kính sát tròng hoặc nhỏ thuốc chuyên dụng nhằm làm chậm hoặc ngừng quá trình tiến triển của cận thị.
Lê Nga