Làm gì để giảm số sản phụ chết khi sinh nở?
Đánh giá thực trạng tử vong mẹ và trẻ sơ sinh liên tiếp trong những tháng qua tại nước ta, bác sĩ Trần Thị Hoa - người sáng lập dự án Khu liên hợp bệnh viện CHI tại huyện Đông Anh, Hà Nội - gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm, đồng thời nhấn mạnh Bộ Y tế cần đặt chăm sóc sản khoa vào diện ưu tiên cấp quốc gia.
Dưới đây là bài viết của bác sĩ Hoa gửi VnExpress.net.
Thực trạng tử vong mẹ do sinh đẻ
Thống kê về tỷ lệ tử vong mẹ năm 2010 của WHO cho thấy Việt Nam ở mức trung bình, nhưng cao hơn Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Tỷ số này sắp tới sẽ ra sao khi gần đây liên tục có nhiều bà mẹ qua đời lúc sinh? Theo Dịch tễ học, có thể dự báo được xu hướng tăng hay giảm của một bệnh hoặc một vấn đề sức khỏe nào đó khi đã biết rõ những yếu tố nguy cơ.
Thống kê Dân số - Y tế quốc gia (2010, 2011) cho thấy có những yếu tố nguy cơ liên quan tới chăm sóc sản khoa gồm: Dân số vẫn tăng trong khi phát triển hạ tầng y tế không đủ lực để đáp ứng sức tăng; Nhân lực y tế vừa thiếu, vừa nghèo chất lượng; Hệ thống quản lý y tế chưa hiệu quả, ngân sách quốc gia có hạn, mặt bằng dân trí thấp.
Cũng theo WHO Việt Nam, thực trạng sức khỏe và mô hình bệnh sẽ còn rất nặng gánh cho hệ thống y tế trong vài thập niên tới. Như thế, sức khỏe sản khoa sẽ không ra ngoài dự báo này, nghĩa là tiếp tục xuất hiện những vấn đề gọi là “bất thường”, chẳng hạn tử vong mẹ và bé trong lúc sinh.
Có thể phòng và giảm tối đa chết do sinh đẻ
Về mặt sinh lý, sinh sản là một hành động tự nhiên, nghĩa là không có bệnh. Tuy nhiên, có thể xuất hiện nhiều tai biến trong thai kỳ, tại lúc sinh và sau sinh đe dọa tính mạng mẹ và bé. WHO, Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc đều cho rằng tử vong mẹ và bé trong thai kỳ và sinh đẻ không có gì là huyền bí. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tai biến nguy hiểm tính mạng gồm:
- Tiền sản giật và sản giật.
- Chuyển dạ bị nghẽn/chuyển dạ kéo dài.
- Nhiễm trùng các loại.
- Mẹ đã mắc bệnh trước/trong khi mang thai (tim mạch, tiểu đường)...
Và rồi những tai biến này có thể gây nên các hội chứng còn gọi là những nguyên nhân trực tiếp gây chết mẹ, đó là:
- Shock do mất máu, mất nước/rối loạn chuyển hóa toan kiềm.
- Cơ thể mẹ suy kiệt.
- Thuyên tắc ối; thuyên tắc phổi…
Nhưng, có thể phòng tai biến và giảm tối đa tử vong cho sản phụ và sơ sinh nếu cán bộ y tế được đào tạo đạt chuẩn và sẵn hạ tầng y tế thiết yếu (thiết bị, thuốc men và phòng mổ) phục vụ cho chăm sóc thai sản và sinh đẻ.
Các tổ chức này cũng nêu ra xấp xỉ 80% ca tử vong mẹ có thể cứu sống nếu phụ nữ có tai biến sản khoa được bác sĩ theo dõi sát và điều trị đúng cách. Cũng thế, bác sĩ được đào tạo về chăm sóc sản khoa bài bản thì dứt khoát có thể xử lý tốt những tai biến hoặc nguyên nhân trực tiếp gây chết, trừ phi sản phụ đến viện quá muộn và khi nguyên nhân trực tiếp gây chết quá nặng.
>> Xem tiếp: Lý giải những cái chết trong và sau khi sinh
TS Trần Thị Hoa