1. Thời gian nằm viện của các sản phụ đã tử vong là trên nửa ngày.
2. Có những triệu chứng của shock; kêu đau đớn quằn quại, kiệt sức.
3. Thai lớn (3,2 kg, 3,5 kg, 3,8 kg…).
4. Có dùng thuốc kích thích đẻ.
5. Một số hồ sơ bệnh án được biết thì ghi theo dõi hoặc xử trí sơ sài, phần lớn bệnh án không được công bố.
Giả định sản phụ bị thuyên tắc ối. Với chứng này, dù bác sĩ có giỏi, đủ thiết bị y tế thì cũng chỉ cứu sống tối đa 40- 60%. Bởi vì các hội chứng về suy tuần hoàn, rối hoạn hô hấp, nhiễm độc thần kinh…trên sản phụ diễn ra đột ngột và rầm rộ, trong vòng 30 phút tới một tiếng là có thể tử vong.
Cơ chế bệnh tóm tắt thế này: Phát sinh thuyên tắc ối là do các hệ thống mạch máu trong cơ thể bị tắc, bởi những cục máu đông khi tử cung bị vỡ, do băng huyết; hoặc là dịch ối, là tóc hoặc các mảnh thai nhi đã hoại tử. Nguyên nhân bên dưới của thuyên tắc ối là do chuyển dạ tắc nghẽn, hoặc do dùng thuốc giục chuyển dạ, hoặc mẹ có bệnh tim mạch, tiểu đường, do chấn thương.
Như vậy, phát sinh ra thuyên tắc ối thì đã phải có sự biến động bất thường hoặc tổn thương một số cơ quan bên trong cơ thể sản phụ một vài ngày trước đó. Khi ấy chắc chắn sẽ có những bất thường biểu hiện qua xét nghiệm công thức máu, điện giải đồ, chức năng gan, kết hợp với khám tổng quát, kèm với những dấu hiệu lâm sàng khó chịu trên sản phụ.
Một thủ tục không thể thiếu đó là hỏi bệnh sử. Theo nguyên tắc y khoa thì các bác sĩ buộc phải khai thác bệnh sử một cách đầy đủ, khám nội khoa tổng quát và theo dõi diễn biến lâm sàng đều đặn hàng 15 phút, ghi rõ vào bệnh án về diễn biến và cách điều trị. Tuy vậy, một số bệnh án được biết đến cho thấy ghi chép sơ sài, chỉ có vài đợt siêu âm, trong khi đó tất cả những sản phụ này đã nhập viện trên nửa ngày mới diễn ra nặng hoặc tử vong (không ai đến viện trong tình trạng nguy kịch).
Trong các ca tử vong, nhiều sản phụ kêu khó chịu, đau quằn quại lúc nằm viện và cả kêu cứu qua điện thoại. Điều này gợi ra rằng họ không được theo dõi chặt chẽ. Nhiều sản phụ nằm cả ngày trời tại bệnh viện có thai đôi, có tiền sử mổ đẻ, kêu đau quằn quại cho tới khi kiệt sức thì mới được chuyển tới cơ sở đúng chuyên môn; hoặc yêu cầu mổ thì bác sĩ không cho, mà lẽ ra những trường hợp đó bác sĩ phải chỉ định mổ ngay từ đầu.
Nếu khám kỹ những sản phụ đó dứt khoát sẽ nhận ra là đó là những chuyển dạ bất thường, mà có lẽ đa phần là chuyển dạ tắc nghẽn.
Với những diễn biến của sản phụ như vậy, bác sĩ phải hiểu ngay rằng họ cần 2 điều kiện đó là: Điều trị cấp cứu tích cực cộng với mổ đẻ. Nếu cơ sở không đủ điều kiện để đáp ứng hai yêu cầu này thì hoặc chuyển viện ngay lập tức hoặc phải thông báo khẩn cấp với cấp trên, những đồng nghiệp giỏi để xử trí.
Như vậy, tai biến sản khoa cần tới các bác sĩ Sản khoa giỏi Nội khoa thì mới phát hiện được biến chứng sớm và mới chữa được đúng cách.
Vấn đề thứ hai đó là Thai to. Thai của những sản phụ đã tử vong ghi nhận là 3,2kg, 3,5kg, 3,8 kg…. Theo WHO, phần lớn phụ nữ các nước nghèo có khung chậu hẹp, nhưng nay kinh tế khá lên nên lúc mang thai họ đã ăn uống bồi dưỡng quá mức khiến thai to (thai bình thường 2,6-3,2 kg) nhưng lòng chậu của mẹ vẫn hẹp. Thai lớn tức là đầu thai sẽ to, trong khi khung chậu của mẹ hẹp thì hiển nhiên sẽ sinh ra chuyển dạ tắc nghẽn.
Đã có những nghiên cứu lớn và dài hạn về chết mẹ ở Uganda cho thấy có tới 26% trong số 324 ca chết mẹ là do chuyển dạ tắc nghẽn, tỷ lệ này là 19% ở Guinea-Bissau, cũng như ở Ghana, Ấn Độ. Chuyển dạ tắc nghẽn sẽ dẫn tới vỡ ối, vỡ tử cung, hoại tử thai rồi đưa đến shock, thuyên tắc ối… và hậu quả là chết mẹ, cả mẹ cả con hoặc tàn tật suốt đời.
Vì thế WHO đã đưa ra những khuyến cáo trên những sản phụ có chuyển dạ tắc nghẽn là phải được bác sĩ theo dõi liên tục hàng phút, coi họ là trong tình trạng cấp cứu Nội khoa trong Sản khoa và phải nghĩ tới hoặc quyết định ngay là mổ đẻ khi đã đủ dữ kiện để chẩn đoán là chuyển dạ tắc nghẽn.
Ở những bệnh viện có sản phụ tử vong vừa qua, nhiều sản phụ đau quằn quại, yêu cầu mổ đẻ nhưng bác sĩ không cho.
Một vấn đề khác đó là việc dùng thuốc kích thích đẻ. Như trường hợp sản phụ mới đây “Sau khi tiêm thuốc kích thích đẻ, đến chiều, chị sinh được bé gái nặng 3,8kg ….Chưa đầy 5 phút sau sản phụ tái nhợt, mắt trợn ngược và lên cơn co giật rồi tử vong ngay sau đó”.
Trường hợp này sản phụ chết rõ ràng do shock. WHO đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy ngay sau sinh do chảy máu vì vỡ tử cung mà vỡ tử cung là do dùng thuốc giục chuyển dạ. Vì thế WHO đã đưa ra những chỉ định trường hợp nào thì mới được dùng (nghĩa là chỉ được dùng khi sản phụ bị rách ối trước chuyển dạ mà thai đủ tháng; cho những trường hợp thai 40 tuần cộng 7 ngày, những bà mẹ bị tiểu đường với điều kiện có nhau thai bất thường mà thôi); và trên những sản phụ đã dùng thuốc thì buộc bác sĩ phải đánh giá tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai, phải theo dõi sát và liên tục trong tình trạng có sẵn cơ sở cấp cứu toàn diện.
Kết luận:
Những nguyên nhân gây ra tai biến sản khoa và tử vong sản phụ ở Việt Nam không nằm ngoài nhóm các nguyên nhân mà WHO, UNICEF đã công bố. Ngoài ra, chuyển dạ tắc nghẽn hay gặp ở phụ nữ các nước nghèo do khung chậu hẹp.
Từ các phân tích trên đây gợi ra rằng chuyển dạ tắc nghẽn và thuốc giục chuyển dạ có lẽ là những nguyên nhân chiếm đa số trên các ca tử vong sản phụ ở Việt Nam thời gian qua.
Nhưng, cả hai nguyên nhân này sẽ không gây ra chết người được nếu sản phụ được bác sĩ quản lý cuộc chuyển dạ tắc nghẽn đúng cách, hiểu được và có khả năng xử trí được qua một phác đồ đó là chăm sóc cấp cứu toàn diện và mổ đẻ.
Các phân tích trên cũng gợi ra rằng bác sĩ Sản khoa buộc phải am hiểu về Nội khoa chung, cấp cứu Sản khoa và Nhi sơ sinh. Nếu bác sĩ Sản khoa mà chỉ phấn đấu siêu âm thạo và mổ đẻ được thì sẽ gây tai họa khôn lường cho sản phụ và thai nhi hơn là giúp họ.
Cuối cùng: “Làm thế nào để không còn những bà mẹ trẻ và những em bé bị chết oan do sinh đẻ?
Đã tới lúc Bộ Y tế và những nhà hoạch định chính sách cần đặt Chương trình Chăm sóc Sản khoa vào diện ưu tiên cấp quốc gia, bởi vì những vấn đề trong Sản khoa và Nhi khoa đã biết rất rõ và để can thiệp có hiệu quả thì chủ yếu là nhờ vào cán bộ y tế giỏi và dân trí cao chứ không phải thiết bị y tế hiện đại, thuốc đắt tiền.
4 giải pháp đồng bộ đề xuất cho hệ thống y tế: 1- Đào tạo bác sĩ Sản khoa và nữ hộ sinh một cách bài bản về Chăm sóc Sản khoa trong suốt thời kỳ mang thai trong lúc sinh và sau sinh. 2- Đào tạo cho bác sĩ Sản và Đa khoa về Chăm sóc Sản khoa cấp cứu tòan diện, cho bác sĩ Nhi và Đa khoa về Chăm sóc sức khỏe trẻ em lồng ghép 3- Thiết lập những cơ sở chăm sóc Sản khoa thiết yếu và Sản khoa cấp cứu toàn diện kèm phòng mổ đẻ đạt chuẩn theo WHO tại tuyến huyện và tỉnh 3) Tuyên truyền giáo dục cho nhóm các cặp vợ chồng ở tuổi sinh sản về tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em 4) Khuyến cáo sử dụng thuốc kích thích đẻ dựa trên Hướng dẫn của WHO. |
TS Trần Thị Hoa