Khảo sát của tập đoàn tài chính Principal Financial Group (Mỹ) gần đây cho thấy 71% người được hỏi muốn cải thiện tình hình tài chính của gia đình mình vào năm 2022.
Tiến sĩ Jay Zigmont, người sáng lập công ty lập kế hoạch tài chính Live, Learn, Plan ở Mississippi cho rằng, một mục tiêu cụ thể được đặt ra, bạn sẽ dễ dàng cùng các thành viên gia đình chia thành những mục tiêu nhỏ và cùng chung tay thực hiện chúng.
Theo chuyên gia, có các giải pháp bạn có thể áp dụng trong gia đình để cải thiện tình hình tài chính trong năm mới.
Chọn trải nghiệm gắn kết thay vì chú trọng vật chất
Những năm trước, bạn từng chi rất nhiều tiền cho khoản quà cáp trong các kỳ nghỉ lễ. Những món đồ này có thể khiến mọi người vui vẻ phút chốc nhưng chưa chắc đã lâu dài.
John Rumsey thuộc công ty quản lý tài sản ở Raleigh, North Carolina (Mỹ) cho rằng thay vì tốn tiền vào những món quà đắt đỏ, những chuyến đi tốn kém, bạn có thể chọn những trải nghiệm đơn giản hơn như cùng đi cắm trại, cùng đến sở thú, bảo tàng địa phương... Nghiên cứu cho thấy trẻ em phát triển ý thức gắn bó gia đình hơn thông qua những hoạt động trải nghiệm cùng nhau, thay vì những vật chất chúng nhận được.
Cập nhật ngân sách gia đình
Theo các chuyên gia, nên nhìn lại ngân sách gia đình năm đã qua (2021), từ đó bạn điều chỉnh và cập nhật ngân sách chi tiêu chung của cả gia đình trong năm nay cho phù hợp. Cũng thông qua đó, bạn có thể biết được mình lẫn bạn đời đã chi tiêu thế nào trong năm qua và cần thay đổi gì trong năm tới để phù hợp mục tiêu chung của cả nhà.
Có kế hoạch tiết kiệm cụ thể
Nếu gia đình bạn còn nợ nần hoặc nếu có một kế hoạch quan trọng nào đó trong năm mới, ví dụ mua nhà, sửa nhà, mua ô tô... thì kế hoạch tiết kiệm tiền rất cần thiết. Chuyên gia tài chính Ellis cho biết: "Thông qua việc tạo kế hoạch tiết kiệm cho năm 2022, bạn và gia đình sẽ thiết lập thói quen tài chính lành mạnh và có được sự an toàn tài chính tốt hơn vào năm 2022".
Theo Ellis, nên cùng bạn đời đặt ra mục tiêu tiết kiệm với con số cụ thể, lập một tài khoản tiết kiệm chung và cùng cắt một tỷ lệ phần trăm thu nhập nhất định để gửi vào đó mỗi tháng.
Cắt giảm ngân sách ăn uống, giải trí
Nên đặt câu hỏi: Năm qua, gia đình bạn có đi du lịch quá nhiều không, có ăn uống bên ngoài quá nhiều không? Jessica Weaver, tác giả cuốn Confessions of a Money Queen (Lời tự thú của một nữ hoàng tiền bạc) khuyên bạn nên đặt mục tiêu hạn chế thói quen đó. Bạn có thể thực hiện kế hoạch này bằng những bước đầu cơ bản như nấu nướng ở nhà thay vì ra hàng ăn, chọn một chỗ đi chơi gần nhà thay vì các chuyến du lịch dài ngày... Khoản tiền dư ra đó, bạn có thể gửi vào tiết kiệm.
Thùy Linh (Theo GoBankingrates)