Không trung thực tài chính là khi bạn hoặc bạn đời che giấu thông tin tài chính và các giao dịch tiền bạc với nửa kia, ví dụ các khoản chi giấu giếm, có "quỹ đen"...
Một nghiên cứu của tổ chức National Endowment for Financial Education, Mỹ cho thấy, cứ 5 người trưởng thành thì có 2 người thừa nhận không chung thủy về tài chính. Nghiên cứu cũng cho thấy, không trung thực tài chính là lý do của 30% số vụ ly hôn ở Mỹ.
Theo chuyên gia tài chính Joie Bose, Ấn Độ, khi kết hôn, việc san sẻ trách nhiệm tài chính là cần thiết. Nếu bạn vẫn chi tiêu cho các sở thích cá nhân mà không đếm xỉa đến bạn đời, đó là một sự thiếu tôn trọng. Điều này không có nghĩa là bạn không được phép chi tiêu hoặc làm những việc bạn thích bằng tiền riêng sau khi kết hôn. Giấu giếm các khoản chi này với đối tác và phớt lờ những hậu quả của việc chi tiêu thiếu tính toán mới là vấn đề.
Một số người sẽ đặt câu hỏi: Vậy những thứ bạn mua nhưng không nói với bạn đời thì có bị coi là không chung thủy về tài chính? Liệu bạn có cần phải xin phép đối tác khi mua những thứ nhỏ nhặt? Như vậy hôn nhân khiến bạn mất hẳn tự do chi tiêu?
Không hẳn là vậy. Với các khoản chi dùng hàng ngày, bạn không cần phải chia sẻ với đối tác, nhưng nếu các khoản lớn, có thể ảnh hưởng tới ngân sách gia đình, bạn nên chia sẻ với bạn đời. Các khoản lớn đó bao gồm:
Vay các khoản vay lớn mà bạn đời không biết
Việc lập tài chính gia đình nên được thực hiện cùng nhau vì quyết định của một người có thể dễ dàng ảnh hưởng đến người kia. Do đó, nếu bạn vay một khoản lớn nhưng không nói với đối tác, đó là không chung thủy về tài chính. Nên nói chuyện với bạn đời về khoản nợ, lắng nghe lời khuyên của họ. Đừng quên nếu bạn vay một khoản lớn và không có khả năng trả sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ gia đình.
Bí mật mua tài sản lớn
Sẽ không ổn chút nào nếu bạn mua tài sản hoặc đầu tư số tiền lớn vào những thứ giá trị cao, trong khi không nói với đối tác của bạn về điều đó.
Trong trường hợp bạn nhất định phải làm vậy, hãy đặt ra câu hỏi: Bạn làm vậy vì không tin tưởng đối tác hay đề phòng vì bất an? Câu trả lời sẽ giúp bạn rất nhiều.
Tiêu tiền cho những món đồ xa xỉ
Hẳn nhiên bạn được tiêu tiền cho bản thân nhưng nếu bạn phung phí cho những khoản xa hoa trong khi kinh tế gia đình khó khăn hoặc bạn mua đồ xa xỉ cho ai đó mà không nói với bạn đời, rõ ràng bạn đang không chung thủy về tài chính.
Nếu bạn thực sự muốn mua một món đồ giá trị, nên trao đổi với nửa kia để cùng nhau xem xét ngân sách chi tiêu, trước khi quyết định.
Cờ bạc
Cờ bạc gây tổn hại to lớn tài chính gia đình. Trong trường hợp bạn chơi cờ bạc rồi đưa tài chính gia đình vào tình trạng rủi ro cao thì điều đó chính là không chung thủy tài chính.
Nguyên nhân nào dẫn đến sự thiếu chung thủy về tài chính?
Thiếu lòng tin: Điều này xuất phát từ sự thiếu thấu hiểu giữa hai người, dẫn đến không thể cùng nhau lập kế hoạch tài chính.
Mục tiêu khác nhau: Khi vợ chồng không có chung mục tiêu tài chính, việc nảy sinh sự thiếu chung thủy tài chính là rất dễ xảy ra. Ví dụ, một bên muốn vung tiền mua quần áo, đi du lịch, tiệc tùng, ăn uống trong khi người kia muốn tiết kiệm từng xu để có một tương lai an toàn.
Thu nhập khác nhau
Nghiện ngập (cờ bạc, mua sắm... ) hoặc ngoại tình
Làm thế nào để phát hiện đối tác đang thiếu chung thủy về tài chính?
Không minh bạch về thu nhập
Nếu đối tác không cho bạn biết anh ấy kiếm được bao nhiêu, không biết hàng tháng anh ấy/cô ấy tiêu tiền ra sao, rõ ràng họ đang thiếu minh bạch về thu nhập với bạn. Là vợ chồng, bạn nên trao đổi thẳng thắn với nửa kia về điều đó và yêu cầu sự minh bạch.
Có các loại thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng bạn không biết
Trong trường hợp bạn phát hiện ra thẻ ngân hàng hoặc thẻ tín dụng đứng tên đối tác mà trước đó không hề hay biết, hoặc bạn khám phá ra họ sở hữu những tài sản riêng, điều này cho thấy đối phương không có ý định công khai với bạn. Hoặc bạn phát hiện các món đồ mà nửa kia sắm sửa nhưng luôn nói là "mua lâu rồi"... , bạn không thể truy cập vào tài khoản của anh ấy để kiểm tra các thông tin giao dịch, điều đó cho thấy đối tác đang có điều gì đó muốn che giấu.
Ngân quỹ gia đình hao hụt
Trong trường hợp bạn phát hiện tài khoản chung của hai người bị hao hụt một khoản, nên thẳng thắn đặt câu hỏi, thay vì bỏ qua những dấu hiệu về sự thiếu rõ ràng trong chi tiêu.
Làm thế nào đối phó với sự thiếu trung thực về tài chính?
Theo chuyên gia Joie Bose từ tờ Bonology, điều đầu tiên là bạn phải chấp nhận những việc đã xảy ra. Đây là một quy trình ba bước. Bước đầu tiên là bạn nên bình tĩnh xem xét tình hình hiện tại. Bước hai, bạn cùng ngồi lại với nửa kia để trao đổi thẳng thắn và nắm rõ vấn đề. Bước ba, cùng có một kế hoạch tài chính cụ thể cho tương lai của gia đình, thay vì đổ lỗi, trách móc lẫn nhau.
Điều quan trọng bạn cần tìm hiểu là tại sao đối tác lại không minh bạch với bạn về tài chính, vì sự thiếu tin tưởng, vì các vấn đề cá nhân hay việc gì?
Từ khóa cho ba bước, theo các chuyên gia, là giao tiếp. Nên tiếp cận vấn đề bằng sự hỗ trợ và thông cảm. Khi cả hai lắng nghe nhau, mọi rắc rối đều có thể được vượt qua.
Thùy Linh (Theo Bonology)