Người Ai Cập cổ luôn tìm kiếm nhiều phương pháp chăm sóc cơ thể và làm đẹp để cơ thể luôn được sạch sẽ và hoàn hảo về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên, các cách làm đẹp này đôi khi bị hạn chế vì họ phải làm việc và sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt. Người Ai Cập cổ sử dụng tóc giả và trang điểm mắt đen không chỉ để xuất hiện một cách lộng lẫy mà còn là phương pháp sinh tồn trong môi trường dễ bị cháy nắng và tránh sự tấn công từ côn trùng, sâu bọ...
Việc sống trong môi trường thiếu vệ sinh và các tiện nghi khiến người Ai Cập cổ đại buộc phải tìm nhiều cách để tồn tại. Những phương pháp chăm sóc cơ thể của họ là nguồn cảm hứng cho hàng loạt sản phẩm xà phòng, mỹ phẩm và nước hoa phổ biến ngày nay.
Cạo đầu ngăn chấy rận
Người dân Ai Cập cổ thực hiện rất nhiều biện pháp tránh chấy rận ký sinh trên cơ thể. Do đó, hầu hết họ đều cạo trọc đầu bằng dao cạo và nhíp, đội tóc giả làm từ tóc người hay lông ngựa. Nếu chấy tìm cách phá hoại bộ tóc giả, họ có thể dễ dàng vứt đi.
Tóc giả cũng phục vụ như một cách để giữ mát trong thời tiết nóng. Những người giàu có thường sở hữu một số bộ tóc với nhiều phong cách tóc khác nhau, có thể mang trong nhiều dịp. Người ở tầng lớp thấp không thể mua được những bộ tóc giả đẹp nên thường đội khăn trùm đầu.
Dùng mỹ phẩm thiên nhiên
Ngoài làm đẹp, mỹ phẩm được con người nơi đây sử dụng hàng ngày để giúp ích cho sức khỏe cả nam và nữ. Sau khi làm mịn da bằng dầu và mặt nạ mật ong hoặc lô hội, họ dùng phấn mắt, mascara và bút kẻ mắt để trang điểm. Bút kẻ mắt là dụng cụ phổ biến vào thời điểm đó, người Ai Cập dùng nó để bảo vệ mắt khỏi ánh nắng chói lòa của mặt trời và đuổi ruồi.
Nguyên liệu để làm bút kẻ mắt bao gồm hỗn hợp bột nghiền nhỏ đá lông công và galen - một khoáng vật quặng chì trộn với chất béo để trở thành một loại kem mịn có tên là kohl. Sau đó chúng được đem đi trữ trong những chiếc lọ nhỏ. Tầng lớp giàu có sử dụng các loại hũ trang trí cầu kỳ, tầng lớp thấp hơn sẽ sử dụng nguyên liệu rẻ tiền để làm vật đựng mỹ phẩm.
Sử dụng chất khử mùi
Người Ai Cập cổ đã nghiền các loại thảo mộc, hoa và rễ của các loại cây thành một hỗn hợp sệt, sau đó đem trộn với dầu, tạo ra một loại kem bôi lên nách. Các nhà khoa học đã phát hiện ra các chất khử mùi của họ còn được làm từ mai rùa nghiền, trứng đà điểu.
Chất khử mùi không chỉ được sử dụng cho vùng nách mà một số phụ nữ còn dùng chúng làm những chiếc nón sáp đội lên đầu. Sức nóng của mặt trời sẽ làm sáp tan chảy và khiến mùi hương lan tỏa ra xung quanh.
Vệ sinh răng miệng
Để làm sạch răng, người Ai Cập cổ nghiền muối, hoa và bạc hà thành bột để chà hỗn hợp đó lên răng. Bột đó khi trộn lẫn với nước bọt sẽ tạo ra một hỗn hợp sệt. Họ cũng đã tạo ra được một chiếc bàn chải đánh răng bằng những chiếc que nhỏ sau đó buộc lên phía trên những dải cây để làm lông bàn chải.
Các nhà sử học đã tìm thấy một vài bằng chứng về việc người Ai Cập cổ trám và giữ những chiếc răng lỏng lẻo bằng nẹp. Một số xác ướp cho thấy họ từng trồng răng. Tuy nhiên, rất khó để xác định rằng công việc này được thực hiện trong lúc họ sống hay khi đã chết đi.
Nhai bạc hà và thảo mộc để giữ hơi thở thơm
Hơi thở thơm mát là điều quan trọng đối với người Ai Cập cổ đại, họ thường sử dụng các phương pháp khác nhau để làm giảm mùi hôi miệng. Người dân nơi đây thường nhai các loại thảo mộc như rau mùi tây, bạc hà trong ngày hoặc sau bữa ăn. Để giảm mùi hôi miệng khó chịu, họ dùng bạc hà làm thành kẹo ngậm.
Cắt bao quy đầu và tẩy lông vùng kín
Đàn ông Ai Cập cổ cắt bao quy đầu bởi họ cho rằng điều này đem đến sự sạch sẽ. Các chữ khắc trong những ngôi đền và lăng mộ tiết lộ rằng những người đàn ông không cắt bao quy đầu được cho là không trong sạch và không được phép bước chân vào nơi linh thiêng.
Phụ nữ cũng trải qua các nghi lễ riêng để có sự sạch sẽ. Họ loại bỏ lông vùng kín bằng nhiều phương pháp tự nhiên và tin rằng việc làm này có lợi trong sức khỏe tình dục, tránh khỏi chấy, bọ chét.
Uống thuốc nhuận tràng làm sạch ruột
Bác sĩ thời ấy quy kết rằng bệnh tật là điều xúc phạm các vị thần. Do đó, họ khuyến khích sử dụng thuốc tẩy hoặc thuốc nhuận tràng để làm sạch ruột.
Cứ 3 ngày trong một tháng, thuốc nhuận tràng được người dân Ai Cập cổ sử dụng để loại bỏ bệnh tật của cơ thể. Họ sử dụng dầu thầu dầu đẩy chất thải ra khỏi cơ thể, ngay cả khi đang bị tiêu chảy. Người dân cũng dùng các vật dụng để thụt rửa, làm sạch cơ thể từ bên trong. Các chuyên gia tiền sản cũng được mời tới để kiểm tra hậu môn cho họ.
Chỉ nhà giàu mới có nhà tắm
Người Ai Cập tắm hàng ngày, tuy nhiên phương pháp tắm sẽ phụ thuộc giai cấp xã hội. Những người giàu có mới có nơi tắm riêng biệt trong nhà. Họ tắm trên trên một phiến đá hoặc trong bồn với bình đầy nước được mang lên từ sông Nile bởi những người hầu. Một số gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu còn có bồn ngâm chân bằng gỗ, đá, gốm vì nhiều người không đi giày.
Người Ai Cập sử dụng một chất tự nhiên gọi là natron để làm xà phòng và luôn bôi kem dưỡng ẩm sau khi tắm để giữ cho làn da được mềm mại. Người thuộc tầng lớp xã hội thấp hơn thì sẽ tắm ở sông Nile.
Thuê thợ chăm sóc móng
Giới thượng lưu và hoàng gia thường thuê thợ làm móng để chăm sóc đặc biệt cho đôi bàn tay của mình. Những người thợ đã biết cách sử dụng dũa móng và dao nhỏ để cắt tỉa, làm cho móng tay cũng như móng chân của người chủ sạch sẽ. Họ sử dụng hình thức sơn móng tay nguyên thủy, sử dụng henna để sơn màu cam và vàng.
Mặc dù không đủ tiền để thuê thợ chăm sóc tay chân nhưng người tầng lớp thấp hơn cũng không để móng tay bẩn. Họ có thể chăm sóc móng cho bản thân bằng cách sử dụng các công cụ ít tốn kém hơn. Vì hầu hết người dân đều đi chân trần nên họ luôn chăm sóc đôi bàn chân bằng việc sử dụng kem dưỡng ẩm, thuốc mỡ để tránh cho bàn chân bị nứt nẻ và côn trùng.
Bôi kem chống nắng và kem dưỡng ẩm sau khi tắm
Sau khi tắm, người dân thường bôi một lớp mỡ động vật để giữ ẩm cho da. Họ sử dụng dầu hạt lanh, dầu thầu dầu và mật ong để làm giảm sự xuất hiện của các vết sẹo, chống lão hóa.
Một số loại kem của người Ai Cập cổ có thành phần giống như kem chống nắng ngày nay và có hiệu quả trong việc đẩy lùi các loại côn trùng. Người giàu sẽ đi mua kem hay dầu dưỡng ở chợ, tầng lớp thấp hơn sẽ tự làm tại nhà.
Cẩm Anh (Theo Ranker)