Rebecca Rose và Peter Kacherginsky, hai nhân viên của sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase, đã tổ chức một lễ cưới không giống ai tại California hôm 14/3. Thủ tục trao nhẫn được cả hai thực hiện dưới dạng blockchain.
Bên cạnh lễ cưới truyền thống của người Do Thái, Kacherginsky đã tạo ra một hợp đồng thông minh có tên gọi Tabaat. Trong tiếng Do Thái, Tabaat có nghĩa là nhẫn cưới. Hợp đồng này chứa 2.218 dòng chữ với chi phí tạo khoảng 0,25 Ethereum (ETH) trị giá khoảng 450 USD lúc đó.
Một giờ sau khi Tabaat khởi tạo, ba giao dịch khác đã được gửi từ Tabaat với chi phí bổ sung là 0,0048 ETH (87 USD). Tại buổi lễ, Kacherginsky và Rose cũng trao cho nhau "nhẫn cưới ảo" dựa trên NFT có hình hai chiếc nhẫn hợp nhất, tạo bởi nghệ sĩ Carl Johan Hasselrot. Các giao dịch thực hiện bằng ETH. Cả hai mất bốn phút để làm điều này, với chi phí phát sinh thêm 50 USD.
Tổng cộng, cặp đôi Kacherginsky và Rose tốn khoảng 587 USD cho lễ thành hôn của mình. Trong khi đó, trung bình một đám cưới truyền thống tại Mỹ có chi phí khoảng 25.000 USD.
"Hầu hết mọi người đều tổ chức lễ cưới tại thánh đường, bãi biển hoặc trên núi, nhưng Peter và tôi không như vậy. Chúng tôi cưới nhau trên blockchain", Rose chia sẻ. "Không giống thực tế, những gì lưu giữ trên blockchain là độc nhất và mãi mãi. Nó giống như tình yêu của chúng tôi vậy. Còn điều gì lãng mạn hơn thế".
Kacherginsky và Rose không phải là cặp đôi đầu tiên tổ chức hôn lễ của mình trên nền tảng blockchain. Vào 2014, một cặp đôi khác là David Mondrus và Joyce Bayo ở Florida đã làm thực hiện và tốn 0,1 Bitcoin (chưa tới 1.000 USD ở thời điểm đó). Hôn lễ không có sự hiện diện của cha xứ hay đại diện chính quyền, thay vào đó là một đoạn thông điệp tình yêu lưu giữ trên blockchain.
NFT (Non-Fungible Token) đang là trào lưu mới được giới đầu tư tiền điện tử quan tâm sau các loại tiền ảo như Bitcoin. Vì tính chất "không thể thay thế" này, NFT được dùng như một chứng chỉ xác thực quyền sở hữu đối với một sản phẩm nào đó. Người mua thường săn lùng NFT để trở thành chủ sở hữu duy nhất, hoặc hy vọng sản phẩm tăng giá để bán kiếm lời. Đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật, đoạn tweet, video ca nhạc... dạng NFT đã được bán đấu giá và thu về hàng chục triệu USD.
Bảo Lâm (theo Cointelegraph)