Luật sư tư vấn
Chào bạn, theo khoản 1 điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Do đó, kẻ cướp nói riêng, người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung đang xâm phạm đến tài sản, tính mạng của bạn, của người khác hoặc của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức khác, bạn được chống trả một cách cần thiết (không được quá mức cần thiết) để kẻ này dừng hành vi xâm phạm.
Ví dụ 1: Kẻ cướp dùng hung khí tấn công bạn một cách quyết liệt nhằm giết chết bạn để cướp tài sản mà bạn không có cách nào khác để thoát thân và đành phải chống trả lại làm chết kẻ cướp. Trong trường hợp này có thể coi là phòng vệ chính đáng và không phải là tội phạm.
Ví dụ 2: Thấy kẻ cướp giật túi xách của người khác, bạn có thể đánh vào tay để kẻ này dừng hành vi xâm phạm. Tuy nhiên, nếu bạn lấy dao chém vào đầu hắn làm chết người thì lúc đó đã vượt mức cần thiết, không còn được xem là phòng vệ chính đáng.
Theo khoản 2 điều 22, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội danh sau:
- Tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo điều 126 (bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; phạm tội đối với 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm).
- Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 3 điều 136 (bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm).
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM