Việc thêm tên chủ sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng/sổ đỏ) sẽ ảnh hưởng đến quyền sở hữu quyền sử dụng đất thửa đất và tài sản gắn liền trên đất. Việc "thêm tên" ba người còn lại vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra sao, còn phụ thuộc vào hình thức ba người chị ủy quyền cho em trai út thế nào.
Trường hợp 1:
Bốn chị em bạn đều đứng tên là người mua trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bốn chị em bạn có văn bản ủy quyền cho em trai bạn đứng tên làm thủ tục, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có công chứng tại tổ chức công chứng hợp pháp.
Trường hợp này, các bạn không nhất thiết phải bổ sung thêm tên của 3 chị em còn lại vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì quyền lợi của 3 chị em đều đã được đảm bảo.
Nếu vẫn muốn 3 chị còn lại cùng đứng tên thì chỉ cần làm thủ tục đính chính sổ, lệ phí đính chính theo quy định Điểm b.3, khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2014/TT-BTC, với mức phí là 25.000 đồng/lần/sổ.
Trường hợp 2:
Việc cử em trai bạn đại diện làm thủ tục không được lập thành văn bản, không được công chứng. Cả ba chị em bạn không đứng tên bên mua trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ chủ cũ.
Trường hợp này được hiểu là chỉ có em trai bạn có quyền sở hữu đối với quyền sử dụng thửa đất và tài sản gắn liền trên đất. Việc thêm tên 3 chị còn lại vào sổ phải được thực hiện bằng hình thức chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất.
Khi thực hiện chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất đều phải thực hiện nộp thuế trước bạ, và thuế thu nhập cá nhân.
Căn cứ Nghị định 10/2022/NĐ-CP về miễn thuế trước bạ; Thông tư 111/2013/TT-BTC; Nghị định 65/2013/NĐ-CP; Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 về miễn thuế thu nhập cá nhân, việc tặng cho nhà đất giữa anh chị em ruột không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ. Bạn chỉ phải nộp lệ phí đính chính sổ như đã nêu ở trên.
Luật sư Bùi Thị Ngọc Huyền
Công ty luật FANCI, Hà Nội