Từ: NamYTBK
Đã gửi: 17 Tháng Ba 2011 8:26 SA
Nghề y là một nghề đặc biệt, do vậy trong ngành y có những danh hiệu: thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân và có cả ngày "Thầy thuốc Việt Nam" nhằm tôn vinh cho nghề nghiệp cao quý này. Để ghi nhận những cống hiến to lớn và bày tỏ sự biết ơn đội ngũ thầy thuốc, nhà nước ta đã lấy ngày 27/2/1955 (ngày Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc) là ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Vấn đề đạo đức trong ngành y đã được xã hội luận đàm rất nhiều, nhiều người đã nói: Thật ra không nên gọi là y đức mà phải gọi là y đạo, vì dịch sát nghĩa thì y đạo là con đường để hành nghề y và chỉ có những con người có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, chuyên môn giỏi, đức tính độ lượng và giàu nhân ái mới có thể vững bước đi trên con đường đó.
Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác từng dạy: "Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng...".
Cố giáo sư, thạc sỹ y khoa Ngô Gia Hy (người đã được giải thưởng khoa học Tôn Thất Tùng năm 2004), đã dành trọn đời mình nghiền ngẫm, trải nghiệm và những người quan tâm đến ông luôn nhớ mãi câu đúc kết của người thầy thuốc này: “Bác sỹ giỏi mà không tốt thì nguy hiểm cho cộng đồng, bác sỹ tốt mà không giỏi thì càng nguy hiểm hơn nếu người đó tham gia khám và chữa bệnh”.
Qua trên, ta thấy rằng nghề nào cũng cần có những con người vẹn toàn cả tài và đức, nhưng ngành y thì tài phải cao, đức phải rộng vì đối tượng phục vụ của họ là con người và chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.
Ai đã từng học tập và làm việc trong ngành mới thấm thía cái vất vả của sự học trong nghề y. Ngay từ khi cánh cửa trường đại học Y được mở ra với sinh viên y khoa thì sự học ở đây đã rất căng thẳng, vất vả. Từng chi tiết nhỏ nhất trong cơ thể con người, từng tổ chức mô, giải phẫu học từng bộ phận, phải thuộc và ghi nhớ suốt đời (nếu không muốn bỏ nghề).
Từng loại bệnh, từng tên thuốc, loại thuốc, biệt dược, công dụng, cách dùng, tác dụng phụ, sự tương tác, cách xử trí khi có mẫn cảm... mọi sinh viên y khoa đều phải nhớ như in. Sáu năm mài đũng quần trên ghế trường đại học Y là sáu năm chỉ có học, bởi buổi sáng thì đi lâm sàng (thực tế trên người bệnh), cũng khám bệnh, làm việc và bình bệnh án, phân tích ca bệnh.
Chiều đúng giờ lên giảng đường nghe giảng lý thuyết, nếu không thì tìm tòi, mò mẫm thêm ở nơi thư viện. Tối ngồi ở giảng đường ôn bài tới khuya, nghiền ngẫm thấu hiểu mọi vấn đề, để mai đứng trước người bệnh chỉ bằng các động tác: nhìn, sờ, gõ, nghe, đo… đã có thể phần nào chẩn đoán được bệnh và ghi y lệnh điều trị.
Trong một tuần ít nhất 1, 2 đêm tham gia đi trực cùng các thầy cô, các bác sỹ tại bệnh viện, cũng làm công việc giống như thầy thuốc thực thụ. Mỗi môn thi bao giờ cũng có cả phần lý thuyết và thực hành thực tế trên người bệnh. Trung bình 12 môn/năm thì 6 năm học tối thiểu cũng phải trải qua 72 cái vận hạn về thi cử mà chẳng trông chờ vào 72 phép thần thông biến hóa nào như thầy trò Đường tam tạng đi thỉnh kinh ở Tây Trúc.
Ở đây chỉ có học và học thật sự mới có thể vượt qua, do vậy, đâu còn thời gian mà bay bổng. Thế nên con gái mà học trường y còn có thêm một khoản trợ cấp “hao mòn tuổi xuân” (các trường khác không có), nghe lạ mà lại là thực.
Nhưng kể cả khi tốt nghiệp ra trường, cầm tấm bằng bác sỹ trong tay cũng chưa thể tự hành nghề và làm được mọi việc của một người được tôn vinh là thầy, bởi cơ thể con người vốn là một bộ máy tinh vi phức tạp nhất, nên bệnh cảnh cũng muôn hình muôn vẻ, không ai giống ai.
Cùng một bệnh nhưng giữa 2 người đôi khi lại có những biểu hiện khác nhau. Cùng triệu chứng giống nhau nhưng chưa hẳn đã trùng bệnh vì chuẩn đoán chính xác một căn bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thế nên bác sỹ phải quan sát, thấu hiểu từ những thay đổi nhỏ nhất của người bệnh như: tính tình, màu da, màu nước tiểu hay tiếng khóc khác thường của bệnh nhi, đó cũng là một trong những yếu tố giúp cho chẩn đoán bệnh.
Ngày nay, ngoài kiến thức uyên bác của một thầy thuốc thì các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng như: chụp cắt lớp vi tính, chụp x-quang, siêu âm, xét nghiệm…đã giúp cho chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Nhưng máy móc cũng là do con người làm ra, do con người điều khiển nên dù khoa học có tiến bộ ra sao thì yếu tố quyết định vẫn là kiến thức của con người, mà điều này chỉ có được bằng sự cố gắng trong học tập.
Khi làm việc tại các cơ sở y tế, dù ở lĩnh vực nào thì người thầy thuốc cũng không dừng sự học tại đó. Kiến thức được trang bị tại trường y chưa thể đủ để giúp họ làm việc tốt, họ lại tiếp tục học: chuyên khoa định hướng, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sỹ, tiến sỹ… Nhưng khi mô hình bệnh tật thay đổi, xã hội và khoa học càng phát triển thì sự học càng phải nhiều, có như vậy các thầy thuốc mới theo kịp bước tiến chung của y học, mới đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Việc hai thế hệ trong một gia đình cùng một thời điểm đi học trường y là chuyện không hiếm (tất nhiên là con học đại học còn cha, mẹ học sau đại học). Câu đúc kết: “Ngành y là môn học cạnh bên người bệnh” rất chính xác, bởi ngày nay không ai có thể tự học để trở thành bác sỹ thực thụ mà phải qua đào tạo tại trường lớp, thực tế trên từng ca bệnh và từ kinh nghiệm của các bậc đi trước truyền lại.
Học để có tay nghề giỏi nhưng cũng cần phải học để có thái độ ứng xử đúng mực trong phục vụ nhân dân. Do vậy sự học đối với người làm nghề y là phải suốt đời. Thay lời kết, xin được trích dẫn lời phát biểu của một thầy thuốc, cố giáo sư, bác sĩ Phạm Biểu Tâm: “Y khoa là một nghề cao quý nếu ta muốn cao quý, cũng là một nghề thấp hèn nếu ta muốn thấp hèn. Bác sĩ là một sinh viên y khoa suốt đời. Trong khi hành nghề khó tránh khỏi đôi lúc ân hận nhưng đừng bao giờ để phải hối hận”.