Thông thường, lãi suất ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước quy định luôn bám sát lãi suất ngoại tệ cơ bản mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố hàng tháng. Năm 2001, FED quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản của đồng USD từ 6,5% xuống còn 1,75%/năm. Một năm sau đó, FED tiếp tục cắt giảm mức lãi suất ấy còn 1,25% và đến năm 2003 con số này chỉ còn 1%/năm.
Tại Việt Nam, năm 2001, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh lãi suất trần tiền gửi USD đối với doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại, kỳ hạn dưới 6 tháng là 1,5% và trên 6 tháng là 2%. Một năm sau, mức trần lãi suất ngoại tệ chỉ còn 1%. Đến 2003, theo Quyết định 834/2003/QĐ-NHNN mức lãi suất trần ngoại tệ được nâng nhẹ lên 1,2% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng và 1,5% cho kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất này được duy trì suốt từ đó đến nay và đang bộc lộ bất cập.
Quy định về mức lãi suất trần ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước ban hành đang được áp dụng hiện nay có một sự chênh lệch lớn giữa khách hành cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Cụ thể, mức lãi suất USD đối với khách hàng cá nhân đang được ngân hàng áp dụng là 5,3%/ năm. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm dành cho doanh nghiệp chỉ có 1,5%/năm. Điều này gây khó khăn cho những doanh nghiệp xuất khẩu trong việc sinh lãi số ngoại tệ thu về trong khi chờ đợi đợt xuất khẩu tiếp theo. Bởi theo quy định họ chỉ có hai chọn lựa: một là gửi số USD trong tài khoản vào ngân hàng, hai là hoán chuyển ra VND để gửi. Nếu chọn trường hợp thứ 1 thì lãi suất quá thấp. Trong khi trường hợp thứ 2 lại phải thông qua nhiều khâu phức tạp.
Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) thừa nhận rằng, động thái kịp thời trên của ngân hàng Nhà nước trong quá khứ đã hỗ trợ các ngân hàng thương mại rất lớn trong việc huy động vốn bằng USD từ doanh nghiệp, cũng như giúp cho họ không phải giải thích với các doanh nghiệp rằng tại sao lại đột ngột giảm mức lãi suất như trên. Tuy nhiên hiện tại, FED đã nâng mức lãi suất cơ bản của đồng USD lên 5,25%/năm, song lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố vẫn giậm chân tại chỗ.
Hiện tại nhiều ngân hàng đang xin cấp phép chứng chỉ tiền gửi cho doanh nghiệp để họ và ngân hàng có thể thoả thuận với nhau về lãi suất mà không bị ràng buộc bởi mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước. "Đây chính là một lối thoát cho cả ngân hàng và doanh nghiệp", ông này cho biết thêm.
Ánh Hồng