Đối tượng hưởng lãi vay ưu đãi này là những khách hàng truyền thống của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Những người đang sử dụng dịch vụ và các giải pháp tổng thể của ngân hàng, kinh doanh trong lĩnh vực trọng yếu, có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.
Mức lãi suất cho vay thấp nhất chỉ còn 13,5% một năm. Ảnh: Hồng Phúc. |
Cũng trong ngày 17/11, ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) giảm thêm 1% đối với VND và 0,5% đối với đồng đô la. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa còn 15% một năm. Riêng những khách hàng sản xuất kinh doanh các sản phẩm, mặt hàng có thị trường tiêu thụ ổn định; những ngành nghề tạo ra sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế (năng lượng, xăng dầu, sắt thép, xi măng...); những doanh nghiệp vừa và nhỏ; các khoản vay tài trợ xuất khẩu, thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu chỉ phải trả mức tối đa 14% mỗi năm. Với mức điều chỉnh 0,5% một năm, lãi suất cho vay USD của BIDV còn 5% năm (kỳ hạn 3 tháng) và 5,5%/năm cho thời hạn vay từ 3 đến 6 tháng.
Trước đó, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã áp mức vay mới cho khách hàng truyền thống là hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp (14,4% một năm). Riêng, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ trả mức lãi 1,25% cho mỗi tháng, tương đương 15%/năm.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, việc hạ lãi suất cho vay lần này là bước đi tiếp theo trong việc thực hiện gói giải pháp kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty. Ngoài ra, động thái này còn nhằm ngăn ngừa suy thoái kinh tế, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
Nhìn chung, mức lãi suất cho vay thấp nhất của các nhà băng hiện nay là dành cho các đối tượng ưu tiên đặc biệt, khách hàng truyền thống.
Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước, tuần qua, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần hiện phổ biến ở 15,22%, 14,76%, 13,71% một năm; nhóm ngân hàng quốc doanh tương ứng lần lượt 14,19%, 14,45% và 14,36%.
Bạch Hường