Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào dịp tháng Giêng, tháng Hai mọi người trong cả nước lại nô nức đi lễ ở các đền chùa để cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn, bình an. Chủ nhật vừa qua chúng tôi cũng tổ chức một buổi du xuân đầu năm với bao nhiêu háo hức về nơi mình sắp đặt chân đến.
Địa điểm chúng tôi chọn là một ngôi chùa và một khu du lịch thuộc tỉnh Ninh Bình. Tôi thì đã được đến chùa này một lần nhưng khu du lịch thì chỉ được nghe nói đến rất nhiều bởi địa danh này cũng khá nổi tiếng.
Cả buổi sáng đi lễ và ngắm cảnh ở chùa Bái Đính, buổi chiều chúng tôi ghé thăm khu du lịch sinh thái. Sau một hồi chen nhau toát mồ hôi (mặc dù nhiệt độ ngoài trời lúc đó khoảng 17 độ C) để mua được 29 tấm vé xuống đò tham quan, mấy chị em tôi không biết bơi còn trêu nhau nhất định phải đi cùng đò với người biết bơi. Nói dại, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì xác suất may mắn sẽ cao hơn.
Ra đến bến đò mới thấy mình đã lạc quan quá sớm, khi thấy cảnh tranh giành đò của du khách. Vì lúc đó là vào giờ cơm trưa nên các đò đi tham quan buổi sáng bắt đầu quay về. Chúng tôi gọi mấy chị lái đò kêu họ chở nhưng đáp lại chỉ là những cái lắc đầu và xua tay cùng những câu trả lời kiểu như: "Mệt rồi, ốm rồi! Từ sáng đến giờ chưa được ăn gì đây! Không chở đâu!".
Chúng tôi ngạc nhiên, vì tất cả đã mua vé và ở quầy vé đã trả lời khoảng 30 phút sẽ có đò. Các anh chị lái đò cứ lững lờ để đò bập bềnh cách bờ mấy mét luôn miệng từ chối du khách, còn khách tham quan trên bờ thì thi nhau "Gọi đò".
Một chị lái đò còn ngồi trên đò cách bờ khoảng 10 m, liên tục giơ bốn ngón tay làm hiệu với khách. Có những du khách thiếu ý thức vì muốn tranh giành thuyền mà không được sự đồng ý đã thi nhau nhảy xuống thuyền nhưng "đuổi vẫn hoàn đuổi", các anh các chị lái đò vẫn không đồng ý chở với lý do "mệt".
Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ thuyết phục, xin xỏ thì đoàn chúng tôi có được hai đò đồng ý chở với điều kiện phải trả thêm một trăm ngàn đồng. Đành vậy, đã đến đây rồi không lẽ quay về. Nhưng còn 19 người thì đành dạo loanh quanh trên bờ, lại tiếp tục chen nhau toát mồ hôi để trả vé và quay ra xe để... ngồi chờ.
Tôi cũng là một trong số 19 người ở lại, đành dạo một vòng cho hết thời gian mới thấy không phải chỉ đoàn chúng tôi mới gặp phải tình trạng trên. Rất nhiều du khách bức xúc với thái độ phục vụ của các lái đò ở đây.
Tôi tiếp xúc với mấy chị ở đoàn du khách Hội phụ nữ, các chị nói đã bước chân xuống đò nhưng bị lái đò đòi thêm tiền "boa" một trăm ngàn đồng một người, các chị đành ở lại và bao nhiêu sớ, vàng mã đành hóa ngay tại bến đò. Cũng biết làm vậy là mất mỹ quan khu du lịch nhưng cũng chẳng thể mang về nhà. Thậm chí, có những du khách đã mất bình tĩnh gây nên những ầm ĩ không đáng có.
Vào khoảng 16h, lúc này khách đã vãn mới thấy một anh của Ban quản lý khu du lịch tay cầm loa gọi các thuyền vào bờ đón khách, còn lúc đông nhất thì chẳng thấy ai. Thậm chí, gọi cho đường dây nóng thì không liên lạc được. Có du khách phản ánh tình trạng lái đò không chịu đón khách thì anh này gắt lên và chỉ vào các thuyền chở khách đang về bến: "Không đón khách thì khách nào đây? Toàn nói vớ vẩn!"
Thiết nghĩ Ban quản lý khu du lịch cần phải có các bàn hướng dẫn để đưa du khách xuống bến thuyền và sắp xếp ổn định để du khách có thể an tâm tiếp tục cuộc hành trình và có niềm vui trọn vẹn vào ngày đầu xuân mới. Tránh tình trạng "đem con bỏ chợ" gây mất niềm tin với du khách thập phương.
> Người Mỹ phản hồi chuyện blogger 'nói xấu' Việt Nam
> Cần nhìn nhận khách quan hơn về du lịch Việt
Bích Liên