Sau khi đọc bài viết “Ấn tượng xấu về du lịch Việt Nam”, cá nhân tôi là thành viên của một Công ty du lịch, thật sự thấy buồn và ngạc nhiên về tính khách quan của tác giả bài viết.
Vì vậy, tôi xin đưa ra một số thông tin nhằm giúp quý độc giả có thể có một cách nhìn khác trong sự việc này. Tôi xin đơn cử một số khía cạnh không phản ánh đúng sự thật như sau:
1. Phải thanh toán thức uống với giá "bí mật" và giá đồ uống được cho là “chặt chém”
Tôi xin khẳng định những thông tin đưa ra là không chính xác, thường tất cả mọi dịch vụ cũng như đồ uống trên tàu đều có menu và được niêm yết giá bằng tiền Việt rõ ràng (theo Điểm d Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011-Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng).
Hơn nữa điều vô lý ở đây đó là bạn không thể tự nhiên sử dụng một dịch vụ nào đó mà không biết giá của nó. Đơn giản như bạn cũng thế thôi, đi ăn tại một nhà hàng bạn phải xem menu, đi mua quần áo tôi cũng phải xem qua giá để biết có mua được hay không? Nên tôi nghi ngờ chuyện: “lễ tân cũng như người phục vụ .. tuyệt đối họ không hé răng mà chỉ nói:“Anh chị cứ uống thoải mái đi, trước khi lên bờ mới có phiếu tính tiền”.
Thực ra, trên các du thuyền ở Hạ Long thời hạn thanh toán các dịch vụ ngoài như phí đồ uống thường được thực hiện ở cuối chương trình tour, mục đích cũng là để khách cảm thấy thực sự thoải mái và không bị bất tiện mỗi khi mua lại phải thanh toán đồ uống, cũng giống như thanh toán tất cả dịch vụ tại khách sạn khi chúng ta trả phòng.
Du khách đi tour trên tàu trong khoảng 2-3 ngày nên họ có thể sử dụng các dịch vụ cũng như đồ uống vào nhiều khoảng thời gian khác nhau, nên để tiện cho việc thanh toán, các tàu thường không yêu cầu khách uống xong là phải trả tiền ngay.
Còn vấn đề giá cả, tại sao lại gấp 4 hay gấp 6 giá bình thường và các nhà hàng khác? Đó cũng là điều dễ hiểu, bạn phải biết đồ uống được mang lên tàu cũng không phải dễ dàng, tốn rất nhiều chi phí và phí dịch vụ các khâu, chúng ta không thể so sánh giá dịch vụ được bán ra với các đại lý bán lẻ hay bán buôn.
Tại sao giá đồ uống ở các nhà hàng lớn, các quầy bar lại đắt hơn?.. Một ly trà Lipton khi chúng ta tự pha, uống tại quán cóc hay trong nhà hàng, hoặc các khách sạn có giá khác nhau là điều hoàn toàn bình thường, ai cũng có thể hiểu.
2. Người chèo thuyền có ý đòi tiền “boa”
Khi đi tour Hạ Long, du khách thường được ghé thăm các làng chài trong vùng. Người dân địa phương sẽ chèo thuyền đưa du khách đi thăm quan khung cảnh vùng non nước để thấy nếp sống sinh hoạt của họ qua nơi ở, trường học.
Những người dân để được làm nghề chèo thuyền họ đều phải được đào tạo qua các lớp học về môi trường, du lịch cộng đồng và du lịch bền vững. Như bài viết của bạn có chăng chỉ là sự trao đổi giữa những người dân chèo thuyền, chứ không có ý định đòi hỏi tiền “boa” hay bắt buộc phải “trả thêm tiền cho những người này để được họ chở đi”... Vì thực chất nếu những người dân chèo thuyền đòi tiền “boa”, họ sẽ bị đuổi việc.
Qua một vài cá thể, chúng ta không thể đánh đồng tất cả mọi người, bạn kết luận như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân địa phương.
Đó chỉ là một vài ý kiến từ cá nhân tôi. Tôi e rằng những thông tin bài viết của độc giả đã nêu thiếu tính chính xác và mang tính chất một chiều, đang làm ảnh hưởng đến du lịch nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Tôi cũng biết thời gian vừa qua có không ít những bài viết không hay về du lịch VN nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những gì du lịch nước nhà đã làm được từ trước đến nay, nhất là du lịch Hạ Long.
Và chúng tôi, những người làm trong ngành du lịch luôn luôn cố gắng và thay đổi từng ngày để cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng sự thỏa mãn của du khách. Hơn ai hết chúng tôi đều hiểu được: “Sự hài lòng của du khách quyết định sự thành công của chúng tôi”.
> 'Tại sao tôi không trở lại Việt Nam'
> Người Mỹ phản hồi chuyện Blogger 'nói xấu' Việt Nam
Ha Nguyen