Ở Việt Nam, các bạn phải xếp hàng từ sớm đến khuya mới có cơ hội sở hữu món đồ chơi này. Vì sự nổi tiếng của chúng, Labubu trở nên khan hiếm và đôi khi có giá hàng triệu đồng.
Tôi cũng háo hức tham gia săn Labubu tại các cửa hàng Pop Mart gần nhà. Nhưng cuối cùng, như bạn bè mình, tôi thất bại. Labubu đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, càng khó kiếm càng khiến mọi người thêm khao khát.
Labubu là một nhân vật thuộc dòng đồ chơi sưu tầm, nhanh chóng trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng toàn cầu, thu hút người hâm mộ từ khắp nơi. Được nghệ sĩ Kasing Lung, người Hong Kong, tạo ra vào năm 2015, Labubu lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu và thế giới kỳ ảo. Với vẻ ngoài tinh nghịch, đôi tai nhọn và nụ cười bí ẩn, Labubu cùng những nhân vật khác trong bộ sưu tập "The Monsters" rất được yêu thích.
Thành công của Labubu đến từ sự kết hợp giữa thiết kế độc đáo và cách phát hành. Thường được bán dưới dạng blind box (hộp ngẫu nhiên), Labubu tạo cảm giác bất ngờ và thú vị cho người sưu tầm. Tôi cũng thấy háo hức khi không biết phiên bản mình sở hữu trông như thế nào, và nếu nó là bản giới hạn, giá trị của món đồ chơi sẽ tăng vọt.
Sự hợp tác với Pop Mart - thương hiệu đồ chơi nổi tiếng của Trung Quốc - đã giúp Labubu tiếp cận đông đảo người hâm mộ hơn. Những phiên bản giới hạn còn thu hút sự chú ý của các ngôi sao, như ca sĩ Lisa của Blackpink, làm tăng thêm độ phổ biến và giá trị của chúng.
Nhân vật Labubu đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Pop Mart. Trong nửa đầu năm 2024, Pop Mart ghi nhận mức tăng 62% so với cùng kỳ 2023. Riêng Labubu đã mang về doanh thu 626,8 triệu nhân dân tệ (tương đương 2.146 tỷ đồng).
Các nhân vật đồ chơi như Labubu không đơn thuần là một trào lưu nhất thời, tương tự "trà chanh giã tay" hay "bánh đồng xu phô mai" trong giới trẻ. Ngành công nghiệp đồ chơi và hoạt hình hiện nay đã được đầu tư một cách bài bản, phục vụ không chỉ trẻ em mà còn người lớn, mang lại lợi nhuận ổn định cho các nhà sáng tạo và công ty. Những sản phẩm này không phải ngắn hạn, mà là thành quả của quá trình xây dựng thương hiệu lâu dài.
Chẳng hạn, Mickey Mouse và Donald Duck, hai nhân vật biểu tượng của Disney, đã gần 100 năm tuổi nhưng vẫn mang về hàng tỷ USD mỗi năm. Các nhân vật này không chỉ xuất hiện trong phim hoạt hình mà còn được sử dụng rộng rãi trên các sản phẩm phụ kiện, quần áo và đồ chơi, giúp Disney duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành giải trí toàn cầu.
Tương tự, Hello Kitty của Nhật Bản, ra mắt vào năm 1974, đã trở thành một biểu tượng văn hóa trên toàn thế giới. Nhân vật này không chỉ xuất hiện dưới dạng đồ chơi, quần áo, sách vở mà còn có mặt trên các chuyến bay phiên bản "Hello Kitty Jet" của hãng hàng không Đài Loan Evergreen Airlines. Mặc dù đã hơn 50 năm, Hello Kitty vẫn mang về hơn 8 tỷ USD mỗi năm cho Sanrio, công ty sở hữu bản quyền nhân vật. Điều này chứng tỏ các nhân vật hoạt hình có thể tiếp tục sinh lời bền vững và lâu dài nếu được quản lý và phát triển một cách đúng đắn.
Sự thành công của các nhân vật như Labubu có thể là một gợi ý mở ra tiềm năng cho Việt Nam phát triển những thương hiệu tương tự trong tương lai.
Việt Nam sở hữu nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế tài năng với những nhân vật hoạt hình thành công như Pikalong và sói Wolfoo. Ngành thiết kế tạo dáng, thiết kế công nghiệp và thời trang được đào tạo ở rất nhiều trường đại học trên cả nước. Tuy nhiên, để tạo ra những nhân vật thu hút và duy trì thành công lâu dài, cần có sự kết hợp giữa sáng tạo và đầu tư bài bản. Thành công của Mickey Mouse và Hello Kitty không chỉ dựa vào thiết kế độc đáo mà còn nhờ vào chiến lược phát triển thương hiệu dài hạn, đầu tư vào truyền thông cũng như sản xuất.
Nếu có sự đầu tư hợp lý và hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn, những nhân vật như Pikalong hay Wolfoo hoàn toàn có thể trở thành hiện tượng toàn cầu, góp phần phát triển ngành công nghiệp sáng tạo trong nước. Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình thương mại của Labubu, nơi sản phẩm không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn giá trị sưu tầm cao. Mô hình bán theo kiểu blind box có thể là hướng đi hấp dẫn cho thị trường trong nước.
Hợp tác với các công ty lớn trong ngành thời trang, may mặc và đồ chơi sẽ giúp sản phẩm tiếp cận thị trường rộng hơn. Chiến lược hợp tác quốc tế, như Pop Mart đã làm với Labubu, cũng nên được xem xét. Labubu thành công nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng xã hội như Instagram và TikTok, cùng sự hỗ trợ từ người nổi tiếng. Việt Nam có thể tận dụng KOLs trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm và lan tỏa ra khu vực như cách mà Pop Mart đã thực hiện.
Để tạo ra những "Labubu của Việt Nam", cần đầu tư vào thiết kế và khuyến khích các nhà thiết kế sáng tạo, thử nghiệm ý tưởng mới. Nhà nước có thể hỗ trợ thông qua quỹ sáng tạo và các dự án văn hóa nghệ thuật.
Cuối cùng, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo từ thiết kế, sản xuất đến tiếp thị; tạo điều kiện cho các start-up phát triển, cung cấp khóa đào tạo về marketing và xuất khẩu. Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân có thể gây dựng những không gian sáng tạo như vườn ươm khởi nghiệp để hỗ trợ tài năng thiết kế trẻ.
Ngành may mặc và sản xuất đồ chơi tại Việt Nam có giá trị đáng kể. Năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành dệt may đạt khoảng 27,8 tỷ USD, trong khi thị trường đồ chơi ước tính khoảng 1,1 tỷ USD mỗi năm. Theo báo cáo của Metric, người Việt đã chi 1.860 tỷ đồng (79 triệu USD) để mua 24,97 triệu đồ chơi trẻ em trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may, Việt Nam có tiềm năng sản xuất các sản phẩm đồ chơi, thời trang độc đáo. Phát triển nhân vật mang tính thương hiệu sẽ góp phần thúc đẩy ngành dệt may và mở ra cơ hội lớn cho thương mại hóa sản phẩm sáng tạo trên quy mô toàn cầu.
Trình Phương Quân