Nhạc phẩm do Khúc Đạo Minh sáng tác và hòa âm, mang âm hưởng dân ca. Đoạn đầu, bài hát gợi nỗi niềm xót xa trước cảnh "khắp phố phường, chợ chiều nay vắng bóng người". Ở điệp khúc, tác giả gợi nhắc những hình ảnh đẹp về người dân thành phố khi đùm bọc, san sẻ nhau giữa đại dịch:
"...Sài Gòn thương, thương sớt vui buồn cho nhau
Những khó khăn sẽ vượt mau, tình người vẫn luôn thấm sâu
Sài Gòn thương, thương ai nguy nan sẽ hết thở than
Sài Gòn thương, thương ai ly tan sớm được bình an
Thương những con người, hiền hòa luôn nở môi cười...".
Kyo York mong bài hát như món quà xoa dịu phần nào những tháng ngày khó khăn của người dân thành phố. Do giãn cách, anh ở nhà thu âm bằng điện thoại, sau đó gửi cho ê-kíp phối khí. Anh nói: "Tôi nhiều lần khóc khi hát. Hơn 10 năm qua, tôi cũng là một người con xa quê, lập nghiệp tại Sài Gòn".
Bài hát được lồng ghép với loạt tranh Sài Gòn những ngày giãn cách của họa sĩ Lê Sa Long. Anh vẽ loạt tranh từ đầu tháng 5 đến nay, lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật như: bếp 0 đồng, gian rau củ "vừa cho vừa bán", người lao động nghèo đùm bọc nhau, sự tận tâm của lực lượng y tế tuyến đầu... Họa sĩ Lê Sa Long tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP HCM, từng gây chú ý với loạt tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những "người tình âm nhạc". Hiện anh là giảng viên khoa Đồ họa, Đại học Mở TP HCM.
Kyo York sinh năm 1985, đến Việt Nam lần đầu vào cuối năm 2009 để dạy tiếng Anh cho thanh niên tỉnh Hậu Giang. Sau đó, anh ở lại TP HCM sinh sống. Kyo York bền bỉ học tiếng Việt, mua đĩa nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên... nghe và tập hát. Anh được ca sĩ Siu Black dìu dắt trong bước đầu ca hát chuyên nghiệp. Dần dần, anh trở thành gương mặt quen thuộc của nhiều phòng trà tại TP HCM. Kyo York cũng thực hiện nhiều MV quảng bá thắng cảnh ở Việt Nam như Tây Bắc, Côn Đảo, Hạ Long...
Tam Kỳ