Tại vùng Kirovohrad, miền trung Ukraine, những cỗ máy khổng lồ đang miệt mài xúc cát từ sâu dưới lòng đất. Số cát này sau đó được tinh lọc để tạo ra ilmenit, một trong 17 nguyên tố kim loại của đất hiếm, loại khoáng sản ngày càng trở nên thiết yếu, thành phần quan trọng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao như smartphone, pin xe điện...

Công trường khai thác ilmenit của công ty Velta ở Kirovohrad, miền trung Ukraine, hôm 12/2. Ảnh: AP
Ukraine tự hào có trữ lượng lớn ilmenit, nguyên tố chính được sử dụng để sản xuất titan, trong những bãi cát khoáng nặng trải dài hàng km dọc theo khu vực miền đông đang căng mình vì xung đột.
Phần lớn ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Ukraine vẫn chưa phát triển vì chiến sự cũng như các chính sách nhà nước quan liêu. Nhưng điều này có thể thay đổi nếu Ukraine ký thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Donald Trump, đổi đất hiếm lấy nguồn cung viện trợ quân sự quan trọng.
Các công ty Ukraine sẵn sàng hợp tác cùng doanh nghiệp Mỹ để khai thác ilmenite tại mỏ lộ thiên ở vùng Kirovohrad. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cản trở việc biến nguồn tài nguyên này thành lợi nhuận, như chi phí, các điều khoản cấp phép hay liệu một thỏa thuận khai thác có thực sự đi kèm đảm bảo an ninh hay không.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối tuần trước phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich rằng ông chưa chấp nhận hợp tác với Mỹ khai thác khoáng sản vì với phiên bản dự thảo thỏa thuận hiện tại, Washington "chưa sẵn sàng bảo vệ lợi ích" cho Kiev.
Các doanh nhân Ukraine có hiểu biết về ngành công nghiệp khoáng sản cũng bày tỏ hoài nghi về việc liệu một thỏa thuận đổi đất hiếm lấy vũ khí có thực sự khả thi, bởi ngành công nghiệp thâm dụng vốn này khó có thể mang lại kết quả trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ.
Khi Andriy Brodsky, giám đốc điều hành (CEO) Velta, mua lại công ty khai thác titan hàng đầu Ukraine này, doanh nghiệp chỉ sở hữu một giấy phép thăm dò địa chất đã hết hiệu lực và một kế hoạch kinh doanh trị giá 7 triệu USD. Để có thể đạt được năng lực sản xuất như hiện nay, Brodsky đã phải mất đến 8 năm và đầu tư thêm hàng triệu USD.
Nhiều người cũng không tin rằng các công ty Mỹ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để xây dựng cơ sở, bố trí máy móc khai thác đất hiếm tại Ukraine. Họ còn đặt câu hỏi liệu những chính sách quản lý hiện tại của Ukraine, vốn cản trở các doanh nghiệp trong nước khai thác đất hiếm, có phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài hay không.
"Điểm chính yếu mà chúng ta có thể đạt được là một số đảm bảo an ninh thông qua các biện pháp kinh tế, để ai đó mạnh hơn quan tâm đến việc bảo vệ chúng ta", Brodsky nói.
Thỏa thuận, về cơ bản sẽ trao đổi tài nguyên của Ukraine để đổi lấy lợi ích khác về vũ khí, có thể giúp củng cố mối quan hệ giữa Kiev với chính quyền Tổng thống Trump.
Mỹ là nước tiêu thụ chính các khoáng sản đất thô quan trọng như lithium và gali, vốn có trữ lượng lớn ở Ukraine. Tổng thống Trump từng đề cập cụ thể đến các nguyên tố đất hiếm, nhưng giới chuyên gia trong ngành lưu ý chúng chưa được nghiên cứu kỹ.
Nhu cầu về titan trong ngành hàng không vũ trụ, quốc phòng và công nghiệp rất cao và Mỹ là nước nhập khẩu ilmenit hàng đầu. Nếu có thể khai thác đất hiếm từ Ukraine, Mỹ có thể giảm phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc.
Đổi lại, Ukraine sẽ tiếp tục nhận được nguồn vũ khí ổn định từ Mỹ, giúp họ chống lại chiến dịch của Nga. Nếu không có nguồn vũ khí này, Kiev khó có thể ngăn chặn các mối đe dọa trong tương lai từ Moskva nếu hai bên đạt được lệnh ngừng bắn.
"Cơ hội để chúng tôi có thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ là rất, rất thấp", Tổng thống Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn ngày 16/2. "Đó sẽ là tình huống vô cùng khó khăn".
Nhưng vấn đề đảm bảo an ninh là một điểm gây tranh cãi đối với các công ty Mỹ muốn khai thác đất hiếm ở Ukraine. Một quan chức cấp cao Ukraine cho hay nhiều doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư nhưng họ cần chắc chắn rằng hàng tỷ USD của họ sẽ được bảo vệ nếu xung đột tái diễn.
Theo Brodsky, chỉ riêng việc cho phép các công ty Mỹ đầu tư đã là một bảo đảm an ninh đối với Ukraine.
"Nếu quá trình này bắt đầu, nó sẽ tiếp tục phát triển", ông nói. "Một khi con số đầu tư vượt qua hàng trăm tỷ USD, người Mỹ, những người thực dụng, sẽ bảo vệ lợi nhuận của họ trên đất Ukraine. Họ sẽ bảo vệ lợi ích của mình trước Nga hay bất kỳ ai khác. Họ sẽ bảo vệ những gì họ coi là thuộc về họ".
Brodsky, người vừa trở về sau chuyến thăm Washington và New York, cho biết những cuộc thảo luận bên trong giới doanh nghiệp Mỹ đang thay đổi theo hướng có lợi với Ukraine.
Velta có nhiều năm làm việc với các đối tác Mỹ. Brodsky đã bắt đầu đàm phán với một số công ty mà ông tin rằng có thể là đối tác trong trường hợp thỏa thuận đổi đất hiếm lấy vũ khí giữa Kiev và Washington trở thành hiện thực.
Ukraine chưa bao giờ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì các chính sách hạn chế của chính phủ, như không đưa ra các ưu đãi để thu hút doanh nghiệp bên ngoài. Brodsky tin rằng các công ty quốc tế sẽ cần phải hợp tác với doanh nghiệp Ukraine để phát triển.
Theo Ksenia Orynchak, giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Khai khoáng Quốc gia Ukraine, các công ty Mỹ có nhiều cách để thâm nhập thị trường, nhưng họ sẽ phải vượt qua "ma trận cấp phép" của bộ máy quan liêu Ukraine. Hợp tác với một doanh nghiệp Ukraine đã được cấp phép khai thác dường như là cách đơn giản nhất.
Bà cho biết nếu muốn khai thác đất hiếm, các nhà đầu tư cần tiến hành thăm dò kỹ lưỡng hơn, lưu ý rằng dữ liệu hiện nay được khảo sát từ thời Liên Xô và hiện có thể không còn chính xác. "Tôi và cộng đồng chuyên gia tin rằng một số thông tin hiện nay không đúng. Chúng ta đang đếm cua trong lỗ", bà ví von.

Công nhân giám sát quá trình phân tách ilmenit tại mỏ Kirovohrad hôm 12/2. Ảnh: AP
Thỏa thuận đất hiếm tiềm năng giữa Ukraine và chính quyền Trump cũng chưa tính đến một yếu tố quan trọng có thể trở thành thách thức về sau này: Quan điểm của người dân Ukraine.
"Tôi rất sợ việc người dân Ukraine có những đánh giá không tán thành, cho rằng mọi thứ đang bị cho đi. Ai đã cho phép ông ấy làm vậy? Ông ấy không có quyền? Những suy nghĩ kiểu như vậy", Orynchak nói.
Ngay cả các công nhân tại mỏ khai thác ilmenit của Velta cũng có những câu hỏi nhạy cảm đó.
"Nếu bạn có vườn rau tươi tốt ở nhà, bạn có muốn người ngoài đến hái chúng không", một công nhân giấu tên nói.
Rủi ro cao là lý do chính khiến một số doanh nhân Ukraine bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận.
Khi chủ một tập đoàn lớn của Ukraine nghe về thỏa thuận đổi vũ khí lấy khoáng sản, ông nghĩ "đây chỉ là lời nói suông". Khai thác đất hiếm "là một ngành chiếm dụng rất nhiều vốn. Chỉ riêng việc khai thác từ một hố lộ thiên đã tốn hàng tỷ USD. Không phải hàng triệu USD mà là hàng tỷ USD", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo AP)