CNBC hôm 30/6 dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên trong vài tháng gần đây đã đẩy nhanh việc sản xuất nguyên liệu dùng để chế tạo đầu đạn hạt nhân tại nhiều cơ sở bí mật. Bình Nhưỡng dường như đang tìm cách che giấu các cơ sở bí mật cũng như số vũ khí hạt nhân đã có, nhằm buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thêm nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Đánh giá của tình báo Mỹ trái ngược với tuyên bố của Trump sau cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 12/6 rằng "không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên". Điều này cũng khiến giới phân tích nghi ngờ rằng những kỳ vọng của Mỹ về quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách nhanh chóng có thể biến thành ảo tưởng, theo CNN.
Tổng thống Mỹ đã bày tỏ sự lạc quan rất lớn về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng như triển vọng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và hội nhập vào nền kinh tế thế giới để hướng tới hòa bình, thịnh vượng. Trong một bài diễn thuyết gần đây, Trump còn tuyên bố rằng ông đã đạt được "thành công vĩ đại" với Triều Tiên.
Nhưng cộng đồng tình báo Mỹ và các chuyên gia về Triều Tiên lại có quan điểm thận trọng hơn với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, không chỉ bởi cam kết "hướng tới phi hạt nhân hóa" đầy mơ hồ trong tuyên bố chung Trump – Kim.
Một đánh giá được giải mật gần đây của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho rằng Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không chịu phi hạt nhân hóa. Tồi tệ hơn, Bình Nhưỡng dường như đang tìm cách lừa dối Mỹ về số đầu đạn hạt nhân đang sở hữu cũng như sự tồn tại của những cơ sở chế tạo nguyên liệu hạt nhân bí mật, với niềm tin rằng tình báo Mỹ không thể biết được các hoạt động mà họ đã che giấu suốt nhiều năm qua.
Trước đây, Mỹ cho rằng Triều Tiên chỉ có một cơ sở hạt nhân duy nhất ở Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, nơi có thể sản xuất nguyên liệu cho khoảng 24 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, đến năm 2010, tình báo Mỹ bắt đầu biết rằng Triều Tiên còn vận hành một cơ sở làm giàu urani bí mật dưới lòng đất ở Kangson, với năng lực sản xuất gấp đôi Yongbyon, theo Washington Post.
Quá trình bí mật nâng cấp cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Video: Next Media.
Vài năm gần đây, nhờ tiến bộ trong lĩnh vực tấn công mạng và chụp ảnh vệ tinh, tình báo Mỹ đã cải thiện đáng kể khả năng thu thập thông tin về Triều Tiên và phát hiện thêm nhiều cơ sở bí mật phục vụ cho chương trình hạt nhân, dù Bình Nhưỡng cố tìm cách che giấu.
Chuyên gia về Triều Tiên David Albright, cựu thanh sát viên vũ khí Liên Hợp Quốc và hiện là chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, cho rằng các báo cáo tình báo này được công bố vào thời điểm "có quan ngại rằng chính quyền Trump sẽ trở nên mềm yếu và chấp nhận một thỏa thuận chỉ tập trung vào Yongbyon mà quên đi các cơ sở bí mật khác".
Không dễ từ bỏ vũ khí hạt nhân
Bình luận viên Jonathan Cristol của CNN cho rằng việc Triều Tiên che giấu các cơ sở hạt nhân bí mật gây nhiều lo ngại, nhưng nó không vi phạm các điều khoản của tuyên bố chung Singapore, bởi Trump và Kim không ký văn bản nào quy định về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức.
Dường như Trump đã quá tin tưởng rằng mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên có thể được giải quyết bằng một cái bắt tay và hài lòng với lời lẽ chung chung trong thỏa thuận rằng Triều Tiên sẽ "hướng tới" phi hạt nhân hóa bán đảo.
Trump có thể nghĩ rằng một cái bắt tay ấm áp và những nụ cười trước ống kính có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, nhưng Kim Jong-un không phải là một lãnh đạo ngây thơ, theo Cristol. Kim không dễ bị thuyết phục trước những lời tán tụng của Trump rằng hai lãnh đạo "có mối quan hệ đặc biệt" hay hứa hẹn về một tương lai "kỳ diệu" cho Triều Tiên. Thay vào đó, Kim sẽ tận dụng khát khao được ca ngợi của Trump để tiếp tục chương trình vũ khí của mình.
Với lời lẽ thiếu cụ thể trong tuyên bố chung, Kim Jong-un sẽ có ít động lực để ngừng các hoạt động hạt nhân, khi nhận ra sự thiếu nhất quán trong chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên là lý do duy nhất để Bắc Kinh thực thi lệnh cấm vận với Bình Nhưỡng. Nhưng khi Trump đưa tuyên bố đầy lạc quan rằng mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đã hết, Mỹ không còn cái cớ nào để thuyết phục Trung Quốc tiếp tục thực thi lệnh trừng phạt này.
Trong khi đó, Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục nâng cấp cơ sở hạt nhân và gia tăng khả năng răn đe chiến lược của mình, bởi không có ràng buộc nào ngăn họ làm vậy. Nếu Mỹ - Triều sớm đạt được thỏa thuận ngừng hoạt động hạt nhân tại Yongbyon, Bình Nhưỡng có thể chuyển việc nghiên cứu, phát triển xuống các cơ sở ngầm dưới lòng đất.
Ngay cả khi Triều Tiên chân thành trong các cam kết của mình, họ có thể mất nhiều năm để phá hủy các cơ sở hạt nhân dưới sự giám sát của các thanh sát viên quốc tế, trước khi Mỹ có thể tự tin tuyên bố rằng mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã bị loại bỏ.
Nhưng đến nay, có rất ít bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng sẽ đi theo con đường này, theo các quan sát viên đã theo dõi tình hình Triều Tiên trong nhiều năm. Cristol cho rằng Triều Tiên khó có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân "hộ quốc" vì bất cứ lý do hay với bất cứ cái giá nào.
"Triều Tiên không đưa ra cam kết mới mẻ nào trong việc phi hạt nhân hóa, tuyên bố chung Trump – Kim thậm chí còn ít cụ thể hơn những cam kết Bình Nhưỡng đưa ra trước đây", Abraham Denmark, giám đốc chương trình châu Á thuộc Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, nhấn mạnh trước một ủy ban hạ viện Mỹ hồi tháng 6.
Theo Denmark, dù đã đơn phương ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên hiện nay vẫn có thể tự do sản xuất thêm đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. "Họ không có hạn chót nào để loại bỏ các vũ khí này, hay thậm chí là đóng băng hoạt động sản xuất", ông nói.