PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng còn nhớ, khi thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc diễn văn tại lễ mít tinh kỷ niệm Quốc khánh ngày 2/9/1969, ông và bạn bè hỏi nhau không biết Hồ Chủ tịch bận việc gì, đi công tác nước ngoài hay sao mà không dự lễ? "Thời đó ở Hà Nội, những ngày lễ trọng đại mà không thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dân đều lo", ông Phúc kể.
Điều ông sợ nhất đã đến vào sáng mùng 4/9, khi Đài tiếng nói Việt Nam phát đi thông báo đặc biệt "Hồ Chủ tịch đã đi xa". Chàng sinh viên trường Đại học Chính trị Nguyễn Trọng Phúc khi ấy 25 tuổi, ôm mặt khóc nức nở.
"Ngày đó không phải nhà ai cũng có radio. Tôi nhớ người Hà Nội đứng trước loa phóng thanh để nghe thông báo, những cụ già khóc như trẻ nhỏ và trời bắt đầu đổ mưa. Mưa kéo dài nhiều ngày, đúng là người tuôn nước mắt trời tuôn mưa", ông kể.
Ngày 9/9, khi Đảng, Nhà nước tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thời tiết lại thay đổi, trời quang mây tạnh. Quảng trường Ba Đình hửng nắng. Ông Phúc nói, dường như trời đã chiều lòng người, trời đã hiểu lòng người trong những ngày để tang Hồ Chủ tịch.
Nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng nhớ, trong lễ truy điệu, từ trẻ em, thanh niên đến cụ già đều bặm môi, ngăn tiếng khóc để giữ sự trang nghiêm khi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cất lời đọc điếu văn. Mặc dù vậy, những dòng nước mắt thì không ngừng chảy khi nghe "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa. Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại".
"Điếu văn kết thúc, phi đội máy bay bay qua quảng trường Ba Đình, nghiêng cánh chào vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cả nghìn người ở quảng trường oà lên nức nở", PGS Phúc nhớ lại.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân Việt Nam cũng nhớ nguyên cảm giác trống rỗng, đau đớn khi hay tin Hồ Chủ tịch mất, vì chỉ thời gian ngắn trước Bác còn đến chúc Tết các phi công. Đang làm nhiệm vụ tại sân bay, ông được giao thay mặt trung đoàn lên phát biểu "biến đau thương thành hành động".
"Ngày bay tiễn biệt Bác, tôi được giao nhiệm vụ bay trinh sát thời tiết trước khi không quân chào tiễn biệt người. Nếu như những ngày trước mịt mùng mưa gió thì hôm đó trời lại sáng. Tôi trinh sát tất cả các nơi xung quanh quảng trường Ba Đình, khi từ Phủ Lý quay về, tôi báo cáo cấp trên là thời tiết hoàn toàn có thể triển khai bay", ông nói và cho biết, rất xúc động và tự hào khi là người đầu tiên bay trong ngày tiễn Bác.
Ông nói, sau chuyến bay khí tượng đó, và ngay khi Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc xong điếu văn, hàng chục chiếc máy bay của Quân chủng Phòng không Không quân xuất hiện trên bầu trời quảng trường Ba Đình để chào người lãnh tụ kính yêu của dân tộc. "Đó là một hình ảnh tuyệt vời. Chúng tôi chào Bác nhưng cũng hứa với Bác bộ đội phòng không không quân sẽ tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác, bằng mọi cách đánh thắng giặc Mỹ", tướng Ngân cho hay.
Vị tướng Không quân nói, đến nay khi đã 81 tuổi, ông thấy tự hào vì thế hệ của ông đã thực hiện tốt những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ của quân đội sẽ tiếp tục thực hiện di chúc của Hồ Chủ tịch, đóng góp sức mình xây dựng đất nước.
PGS Nguyễn Trọng Phúc tâm sự, với tấm lòng kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiếc băng tang ông đeo những ngày tháng 9/1969 vẫn được ông "giữ như báu vật". 50 năm trước, ông kẹp băng tang vào trong cuốn sổ, nhưng sau đó sợ rơi mất, ông lấy kim chỉ khâu cố định vào trang giấy.
Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề nghị ông chuyển "bảo vật" này cho Bảo tàng. Dù gửi tặng, trong ngày chuyển giao, ông đã khóc vì coi nó như vật thiêng liên của cuộc đời mình với Hồ Chủ tịch. "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn. Vì tình cảm với Bác mà tôi đã dồn tất cả tâm lực nghiên cứu về Bác, về Đảng, kể cả hiện nay, khi đã 75 tuổi. Cũng vì yêu Bác, tôi không bao giờ làm điều gì sai trái, khuất tất, sống một đời đàng hoàng, tử tế", PGS Phúc xúc động nói.
Tháng 12/1972, khu tập thể nơi ông ở trúng bom của Mỹ, mọi thứ tan tác. Từ giảng đường trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh), nơi đang làm giảng viên, ông Phúc lao về nhà, đào bới trong đống đổ nát để tìm cuốn số kẹp băng tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Hồi đó nghèo, tài sản có gì đâu, chỉ toàn sách là sách. May mắn là sau một hồi lục lọi tôi đã tìm được cuốn sổ, từ đó bảo quản cẩn thận. Sau nhiều lần chuyển nhà, đồ đầu tiên tôi mang theo là cuốn sổ, trong đó không chỉ có băng tang, mà còn ghi chép lại toàn bộ lễ tang của Bác, kể cả những bức điện chia buồn của các nước", ông kể.
Nhân kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Người, sáng 30/8, Ban Thanh niên Quân đội, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm PT-TH Quân đội phối hợp tổ chức tổ chức Tọa đàm "Trung hiếu bên Người".