Ông Trần Viết Hoàn trực tiếp canh gác, bảo vệ những ngày Hồ Chủ tịch ốm và chứng kiến giây phút cụ Hồ ra đi. Qua lời kể của ông, tháng 8/1969, dù đang ốm nặng, Hồ Chủ tịch vẫn dành thời gian nghe thành viên Bộ Chính trị báo cáo về nghị quyết kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 1970. Nghe xong, cụ Hồ chỉ đồng ý kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng, 100 năm ngày sinh Lenin, 25 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Hồ Chủ tịch không đồng ý đưa ngày 19/5 vào nghị quyết để làm lễ kỷ niệm. "Hiện nay, học sinh sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí", ông Hoàn thuật lại lời cụ Hồ.
Có lần, thấy báo chí đưa tin hợp tác xã Ngũ Xá (làng nghề đúc đồng nổi tiếng ở Hà Nội) có ý định đúc tượng chân dung mình bằng đồng, Hồ Chủ tịch cử người sang nói với Trung ương, trong lúc đồng khan hiếm, không được làm như vậy. Số tiền định đúc tượng, Hồ Chủ tịch đề nghị xây thêm phòng học cho học sinh.
Những ngày nằm trên giường bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành gần như toàn bộ tâm trí cho người dân. Khi được Trung ương mời lên An toàn khu (ATK) để đề phòng trường hợp vỡ đê sông Hồng, người chỉ nói: "Bác không thể bỏ dân, trước hết hãy lo cho dân".
Mỗi khi tỉnh lại sau cấp cứu, câu đầu tiên người thường hỏi "Nước sông Hồng đã xuống chưa? Hôm nay đồng bào miền Nam đánh thắng ở đâu?". Vì vậy, Trung ương đã chuẩn bị xe lội nước để đưa Hồ Chủ tịch lên ATK nếu Hà Nội bị lụt và đằng sau xe có nhiều xe lội nước khác để cứu dân.
Trước nhà sàn có hai cây dừa miền Nam mà khi còn khoẻ cụ Hồ vẫn chăm bón. Có hôm, cụ nói muốn uống chút nước dừa vì "nhớ miền Nam". Các chiến sĩ cảnh vệ trèo lên hái hai trái, nhưng rất mệt nên cụ Hồ chỉ nhấp được một chút.
Chiều 12/8/1969, Hồ Chủ tịch gặp ông Lê Đức Thọ (cố vấn cao cấp đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris) tại nhà nghỉ Hồ Tây (Hà Nội) để nghe báo cáo về tình hình đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đêm đó, cụ Hồ lên cơn ho, sốt và ngày càng nặng hơn, nhưng vẫn gắng gượng làm việc.
Theo đề nghị của bác sĩ, tối 17/8, Hồ Chủ tịch không làm việc ở nhà sàn nữa mà xuống ngôi nhà nhỏ phía sau mà Bộ Chính trị đã dựng năm 1967 để tránh bom.
Ngày 30/8, dù ốm nặng, nhưng cụ vẫn gửi lẵng hoa tặng chiến sĩ tên lửa sư đoàn 361 khi nghe tin bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ. Kỷ niệm ngày Quốc khánh, Hồ Chủ tịch gửi vòng hoa viếng liệt sĩ tại nghĩa trang Hà Nội, tặng lẵng hoa Đội Cảnh sát khu vực 4 khu phố Ba Đình và Đội bảo đảm giao thông đường bộ I.
Ngày 1/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất mệt, nhưng có lúc tỉnh táo và nhanh nhẹn hơn, tự ăn được chén long nhãn nhỏ.
9h ngày 2/9/1969, Hồ Chủ tịch lên cơn đau tim nặng, các giáo sư, bác sĩ Việt Nam và Trung Quốc phải cấp cứu. "Đến 9h15, máy điện tim báo tim bác ngừng đập hẳn. Chúng tôi cùng bác sĩ thay nhau day ngực bác, mong sao tim đập trở lại", ông Trần Viết Hoàn nhớ lại.
9h47, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt nói: "Thôi các đồng chí ạ, Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi".
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. Một tuần sau, lễ truy điệu và lễ viếng người được tổ chức tại quảng trường Ba Đình với hàng chục nghìn người dân cả nước, bạn bè quốc tế tham dự.
"Tưởng nhớ ngày bác đi xa, tôi ôn lại những điều trên để mong góp chút nhỏ bé cho hôm nay, mai sau trân trọng, giữ gìn, phát huy những di sản Bác Hồ để lại", người lính cảnh vệ Trần Viết Hoàn bày tỏ.
Chiều 28/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các đồng chí trực tiếp phục vụ, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của người. Sau khi nghe những câu chuyện, Thủ tướng nhấn mạnh, tấm gương đạo đức, những lời dạy của Hồ Chủ tịch luôn chỉ lối, dẫn đường cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo. Thủ tướng bày tỏ trân trọng ghi nhớ công lao của những cán bộ từng phục vụ, bảo vệ Bác Hồ.
Ông Trần Viết Hoàn, một trong những chiến sĩ cảnh vệ phục vụ Hồ Chủ tịch và sau đó trở thành Giám đốc Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch (nay đã về hưu).