Sáng 19/8, sách Thang Trần Phềnh của tác giả Ngô Kim Khôi ra mắt ở Nhà triển lãm Mỹ thuật. Họa sĩ Thang Trần Phềnh qua đời cách nay gần 50 năm. Cuốn sách về cuộc đời, tác phẩm của ông giúp những điều xưa cũ sống lại.
Cuốn sách cho cháu nội của họa sĩ Thang Trần Phềnh - anh Thang Đức Thắng - những trải nghiệm ngọt ngào khi đọc. Thuở bé, anh sống cùng ông nội nên thường theo ông đến rạp Chuông Vàng chơi - nơi ông làm họa sĩ thiết kế phông nền sân khấu. "Tôi còn làm mẫu cho ông vẽ minh họa các nhân vật", anh Thắng nói. Ngày đó, anh cũng được gặp nhiều người bạn của ông nội - những tên tuổi hàng đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Anh học được ở ông sự đam mê, đòi hỏi khắt khe trong sản phẩm. Qua cuốn sách, nhiều tác phẩm của ông nội đến nay anh Thắng mới biết. Anh cũng hiểu thêm về đam mê của ông nội với công việc vẽ và câu chuyện của nền hội họa Việt Nam thuở ban đầu.
Ông Phạm Đỗ Minh - con rể cố họa sĩ - cho biết bố vợ sống giản dị, khiêm nhường và đam mê vẽ. Họa sĩ có thể vẽ với bất cứ chất liệu nào, từ màu nước, sơn dầu đến phẩm màu, vôi... Nhiều bức ký họa ra đời từ những gói phẩm màu ông mua ở chợ khi đi kháng chiến ở Bắc Giang.
Nhiều người tham dự buổi ra mắt sách đánh giá vị trí quan trọng của họa sĩ Thang Trần Phềnh trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Trưởng ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam - Nguyễn Quang Việt - cho biết họa sĩ Thanh Trần Phềnh là bạn thân của bác ông, cùng hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật sân khấu. Ông nhớ trước Cách mạng Tháng Tám (1945), mỗi lần rạp Chuông Vàng có đoàn biểu diễn, rạp hát luôn mở cửa trước một tiếng để khán giả vào ngắm các bức vẽ, phông nền trang trí của họa sĩ Thang Trần Phềnh. "Họ mê phông cụ vẽ. Có lần, cụ vẽ cảnh vợ chồng bán thịt lợn quay trên tờ giấy thấm mỡ rất đẹp. Người xem có cảm tưởng mở tranh ra như thấy thịt. Điều đó khẳng định kỹ thuật tả chân của họa sĩ rất điêu luyện", biên tập viên Quang Việt nói.
Nhà nghiên cứu Đoàn Thị Tình xúc động khi ấn phẩm đầu tiên về họa sĩ sân khấu Thang Trần Phềnh ra mắt. Lâu nay, bà cùng cộng sự đau đáu thực hiện tác phẩm về ông nhưng chưa làm được. "Đây là họa sĩ bậc thầy, người khai sáng mỹ thuật sân khấu Việt Nam. Trong mọi công trình nghiên cứu mỹ thuật sân khấu, không thể không nhắc đến họa sĩ Thang Trần Phềnh", bà nói. Bà tiết lộ hiện còn giữ nhiều bức ký họa của Thang Trần Phềnh, trong đó có nhiều hình ảnh ông vẽ gia đình.
Tác giả Kim Khôi là cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn - người cùng thời với họa sĩ Thang Trần Phềnh. Anh sống ở Pháp nhiều năm nay. Có mặt từ 7h rưỡi, trước khi sự kiện khai mạc gần hai tiếng, anh bận rộn ký sách, trò chuyện và trả lời phỏng vấn báo chí. Đây là lần đầu anh ra mắt sách. Thừa hưởng kho tư liệu từ ông ngoại, tiếp cận nguồn thông tin từ các thư viện ở Pháp và ông Victor Tardieu - người đồng sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày nay) cùng ông Nam Sơn, anh tập hợp thành cuốn sách về Thang Trần Phềnh. Kim Khôi cho biết đây mới là bước ban đầu. Anh sẽ còn nghiên cứu và viết sách về nhân vật này cũng như các tên tuổi cùng thời. Trong lần đầu phát hành, sách còn một số lỗi về in ấn và thông tin. Tác giả mong người đọc lượng thứ và sẽ chỉnh sửa trong các lần sau.
Sách Thang Trần Phềnh được chia làm năm phần, cung cấp nhiều tư liệu về thân thế, quá trình hoạt động nghệ thuật và 28 tác phẩm của họa sĩ. Tranh của danh họa từ thời thuộc Pháp qua thời kháng chiến rồi hòa bình ở miền Bắc gồm đủ loại: trên giấy, trên lụa, vải bố... và được vẽ bằng bút sắt, mực tàu, thuốc nước aquarelle, bột màu gouache, phấn tiên pastel, sơn dầu, thậm chí bằng phẩm nhuộm.
Thang Trần Phềnh (1895 - 1972) từng học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông là một trong những họa sĩ nổi tiếng của làng mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: Chân dung phụ nữ Lào (1927), Đánh bài Tam Cúc (1930), Xem bói (1931, đoạt bằng khen mỹ thuật Rome), Thiếu nữ dệt vải (1933)... Ông còn lập gánh hát Đồng Ấu, thu nhận các tài năng trẻ trên dưới mười tuổi học hát múa ở Hà Nội để lưu diễn ở các tỉnh phía Bắc.
Hoàng Anh Trường
Video: Thanh Tùng