Buổi ra mắt sách mang tên Thang Trần Phềnh (1895-1972) của tác giả Ngô Kim Khôi sẽ diễn ra ngày 19/8 ở Hà Nội, đánh dấu lần đầu có một ấn phẩm hé mở về cuộc đời - tác phẩm một trong những bậc tài danh làng mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ 19 và trong thế kỷ 20. Cố danh họa Tô Ngọc Vân từng nói: "Ông là họa sĩ mà trước kia chúng tôi rất phục tài, coi như cái đích tuyệt cao khó tới".
Hiện nay, bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội lưu giữ ba tác phẩm của họa sĩ Thang Trần Phềnh là bức Phạm Ngũ Lão (sơn dầu, 1923), Chân dung phụ nữ Lào (sơn dầu, 1927) và Lớp học sơ tán (tranh lụa, 1968). Không chỉ chạm đến cảm xúc người xem vì nét hồn hậu, chân phương khi khắc họa sống động một giai đoạn lịch sử, ba họa phẩm còn là tư liệu quý về bước phát triển kỹ thuật hội họa Việt Nam buổi giao thời với nền hội họa phương Tây. Ẩn chứa trong lớp lụa, sơn dầu là câu chuyện về một trí thức vươn lên học hỏi không ngừng, một tâm hồn Việt đau đáu lưu giữ giá trị bản sắc dân tộc.
Nhiều nghệ sĩ lão thành còn nhớ đến những họa sĩ lừng danh một thời như Thang Trần Phềnh, Lê Huy Miến, Nguyễn Nam Sơn, Lê Văn Đệ... Thế nhưng, nhiều yếu tố khách quan cùng bụi thời gian phủ lên cuộc đời họ lớp màn bí ẩn, mà Trần Phềnh là nhân vật tiêu biểu. Hà Nội một thời bom đạn chiến tranh, khiến các tư liệu về ông và tác phẩm của ông bị mất, lưu lạc khắp nơi trong và ngoài nước, ngay cả gia đình cũng không giữ được nhiều. Cố họa sĩ vốn bản tính hiền lành, có lối sống lặng lẽ, khiêm nhu, chỉ biết miệt mài sáng tác và lao động. Hơn nữa, khi đã thành danh với hội họa, ông rẽ sang lĩnh vực sân khấu. Những điều này khiến thế hệ sau khó khăn khi tiếp cận chặng đường mỹ thuật của ông.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định Thang Trần Phềnh là: "người ai cũng biết nhưng lại được biết ít nhất, tiểu sử và chân dung của họa sĩ mờ mịt... Dưới sự hướng dẫn của đức cha Leopold Cadière, ông tham gia minh họa cho tập san Những người bạn Cố đô Huế. Những bức vẽ này cùng nhiều bức vẽ màu nước về đời sống người Việt đầu thế kỷ 20 cho thấy ông là một tay bút design, tả thực xuất sắc".
Sau hơn 10 năm tìm kiếm tư liệu, được ví như "tìm cây kim trong bó rơm", ông Ngô Kim Khôi ra mắt cuốn Thang Trần Phềnh với mong mỏi mang ra ánh sáng hiểu biết ít ỏi về chân dung một bậc tài danh. Ông Khôi là cháu ngoại cố họa sĩ Nguyễn Nam Sơn - người cùng thời với họa sĩ Thang Trần Phềnh.
Tài năng thiên bẩm được mài giũa nhờ đam mê, ý chí tự học
Trường Mỹ thuật Đông Dương, do Toàn quyền Pháp Martial Henri Merlin ký vào ngày 27/10/1924, khai trường vào ngày 16/11/1925, đánh dấu quan trọng trong nền hội họa Việt Nam, tạo mốc phân định giữa lớp họa sĩ trước và lớp họa sĩ về sau - vốn được đào tạo bài bản với thẩm mỹ hội họa định hình rõ nét. Trước dấu mốc lịch sử này, tài vẽ của Thang Trần Phềnh đã nức tiếng xứ Bắc.
Quyển Ba họa sĩ cận đại: Lê Huy Miến, Trần Phềnh, Nam Sơn - một tài liệu hiếm hoi về các tên tuổi họa sĩ lớp cổ học - cho biết Thang Trần Phềnh sinh năm 1895 tại Hà Nội trong gia đình lao động, có bố làm nghề thư ký cho hiệu buôn Di Lăng ở Hàng Ngang, mẹ làm nghề khâu thuê vá mướn. Gia đình ông mấy đời nằm ở phố cổ Hà Nội, số 14 Hàng Cá. Ông Phềnh bộc lộ năng khiếu hội họa từ bé. Qua tay ông, hòn than, cục phấn, một vết ố nước trên tường cùng cái que, cũng được dùng để họa nên cảnh người, vật sống động.
12-13 tuổi, năng khiếu vẽ của Trần Phềnh bộc lộ rõ nét. Cha ông đã mua giấy bút mực cho ông tập vẽ. Khi đó, ở Hà Nội có những đoàn kịch Trung Quốc sang biểu diễn, cậu bé Phềnh để ý cách vẽ phông màn sân khấu, xem thêm ảnh, tranh in trong sách báo tiếng Pháp để tập họa. Ở tuổi 15-16, ông có tác phẩm dự đấu xảo Hà Nội (1911) với bức Chùa Trấn Quốc trước khi mặt trời lặn. Được người Pháp yêu thích, tìm mua và đặt hàng, Thang Trần Phềnh càng tự tin sáng tác. Từ năm 1911 đến 1915, năm nào Trần Phềnh cũng đoạt giải nhất, nhì ở các cuộc đấu xảo (triển lãm, hội chợ cũ ở Hà Nội). Trong bài Khảo về thủy họa đăng trên Nam Phong tạp chí, số 77, tác giả Vũ Đình Long dành nhiều lời ca ngợi ông.
Khi học trường Bưởi, Trần Phềnh luôn đứng nhất môn hội họa. Vì gia cảnh khó khăn, ông tự lập từ sớm, vẽ tranh bày bán trong hiệu buôn của cha. Tốt nghiệp trường Bưởi, ông vẫn miệt mài luyện vẽ. Để đỡ đần tài chính cho gia đình, ông cộng tác với các rạp hát vẽ phong cảnh, phụ trách phần mỹ thuật và minh họa cho nhiều tạp chí, hợp tác với hội "Những người bạn cố đô Huế" minh họa nhiều hình ảnh cho quyển Nghệ thuật ở Huế.
Giai đoạn mỹ thuật Việt Nam còn xa lạ với các lý thuyết và kỹ thuật mỹ thuật phương Tây, bút pháp của Thang Trần Phềnh trong tranh sơn dầu, tranh lụa khiến khán giả, các họa sĩ cùng thời thán phục. Năm 1923, ông đã đoạt giải mỹ thuật của Hội khai trí Tiến Đức, được học giả Phạm Quỳnh khen tài vẽ tranh sơn dầu - chất liệu mới mẻ với hội họa Việt thời bấy giờ, họa sĩ phải tự mày mò là chính.
Hội Khai Trí Tiến Đức khuyến khích Thang Trần Phềnh sáng tác dựa trên cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Việt Nam như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo... Hai Bà Trưng, tác phẩm sơn dầu đầu tiên của ông, là một thành công lớn, đoạt giải thưởng ở cuộc đấu xảo năm 1923 của Hội Khai Trí Tiến Đức. Cùng năm này, bức sơn dầu Phạm Ngũ Lão (hay còn có tên Trần Hưng Đạo) đã đón nhận nhiều lời khen. Tranh đề tài cổ nhưng lối vẽ cho thấy sự cách tân, phóng khoáng ở kết cấu không gian ba chiều, giúp tác phẩm có chiều sâu, bật chủ đề, thay vì bố cục phẳng.
Năm 1925, khi trường Mỹ thuật Đông Dương tuyển sinh khóa đầu, Thang Trần Phềnh cùng ông Tô Ngọc Vân cùng đăng ký. Tuy vậy, cả hai đều rớt. Sự kiện Trần Phềnh rớt kỳ tuyển sinh gây chấn động giới thưởng ngoạn nghệ thuật đất Tràng An. Điều này khiến giới hội họa trong nước nhìn nhận lại về cảm quan thẩm mỹ, về kỹ thuật sáng tác, giữa một bên là lối vẽ phong cách phương Đông, chịu nhiều ảnh hưởng từ mỹ thuật Trung Hoa, và một bên lối sáng tác đậm dấu ấn phương Tây.
Không nản chí, năm 1926, khi trường tuyển sinh đợt thứ hai, ông cùng Tô Ngọc Vân tiếp tục thi và trúng tuyển, cùng khóa với Vũ Cao Đàm, Đặng Trần Cốc, Nguyễn Hữu Đẩu... 5 năm rèn giũa, học hành ở mái nhà nghệ thuật uy tín đã giúp bút pháp Thang Trần Phềnh thêm nội lực, gần với phong cách hàn lâm. Tác phẩm Chân dung phụ nữ Lào (1927) là một minh chứng rõ rệt cho thẩm mỹ sáng tác của ông thời kỳ này. Từ dáng ngồi, thần thái đến chi tiết đăng ten ở ống tay áo, chiếc khăn truyền thống của phụ nữ Lào, ánh sáng tỏa ra từ tranh thể hiện một bút lực dồi dào, một thẩm mỹ tinh tế.
Giai đoạn 1931 - 1933, nhiều họa phẩm của Thang Trần Phềnh được gửi sang Pháp, sang Italy tham gia Triển lãm thuộc địa Paris, triển lãm thuộc địa Rome. Các tác phẩm như Đánh bài Tam Cúc (1930), Xem bói (1931, đoạt bằng khen mỹ thuật Rome), Thiếu nữ dệt vải (1933), Xuống ngựa, Lý trưởng hỏi thăm đường (1934)... là những bức tranh lụa thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Đông Dương, kết hợp hài hòa kỹ thuật vẽ phương Tây và bản sắc văn hóa dân tộc đậm nét.
Năm 1931, sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ chuyên tâm theo đuổi nghệ thuật sân khấu, thỉnh thoảng tham gia triển lãm. Ông tổ chức gánh hát, lập "Ban hát mỹ thuật Đồng Ấu" cho trẻ em, lưu diễn khắp nơi ở Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, hoạt động đến năm 1943 mới ngừng. Cuối 1946, họa sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp, đưa gia đình lên vùng Bắc Giang và làm việc ở Sở Thông tin Tuyên truyền liên khu 10. Năm 1954, ông đưa gia đình về lại Hà Nội, cộng tác với rạp hát Chuông Vàng (Kim Phụng) đến năm 1963. Suốt chặng đường dài này, kể cả khi hưu trí, Thang Trần Phềnh chưa bao giờ thôi đam mê hội họa và nghệ thuật sân khấu.
Tác giả Ngô Kim Khôi nhận định: "Bên cạnh nhiều họa sĩ tài danh nước ta, Thang Trần Phềnh là một trong những cái tên nếu không được nhắc đến và ghi nhớ sẽ là thiếu sót lớn cho mỹ thuật Việt Nam. Ông và các bậc tiền bối đã có công tạo nền móng 'tòa nhà' mỹ thuật. Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của các nhân vật như thế là cách để nền móng ấy được bồi đắp vững vàng, phát triển mạnh mẽ hơn".