Làng tôi giờ phát lắm. Nhà cao tầng cứ mọc lên như nấm, đường bê tông phủ kín các lối đi. Trẻ con đi xe đạp điện lao vun vút ngoài đường, tóc thẳng tóc ép, môi có chút son hồng son đỏ.
Cái chuyện rặng cau, bến nước hay đống rơm con gà bây giờ cũng hiếm rồi, cái đình làng thì đóng cửa suốt, hàng ngày chỉ có cụ Từ ra vào trông giữ. Chùa làng thì xây mỗi ngày mỗi to, rộng thênh lang, bước đến chỗ nào cũng thấy gạch mới đỏ hồng, cột gỗ còn thơm phức. Bước vào trong phòng thờ, nhà chùa còn cho lắp thêm hai cái gương cỡ bự để quan khách có dịp chỉnh trang phục.
Nhớ lại hồi bà tôi còn sống, bà thường dắt tôi lên chùa cúng mỗi dịp lễ lạt. Chùa khi đó nhỏ hơn giờ rất nhiều. Chỉ có hai nhà thờ, phía ngoài là nơi sắp lễ. Từ nơi sắp lễ, đi sâu vào bên trong là một lối đi nhỏ xíu, chỉ vừa một người rưỡi. Đó là lối vào khu thờ chính. Nền nhà còn làm bằng đất. Ba gian đều có cửa xếp gỗ. Những bức tượng cao lớn, uy nghi, khói hương thơm nhẹ. Không gian lành lạnh, trầm mặc lắm. Ai cũng ý tứ quần áo chỉnh tề, đi khẽ, nói nhỏ.
Ký ức về bà của tôi phủ đầy bằng những phiên chợ của bà. Bà làm nghề buôn hàng nan từ bé, đó là những thứ hàng thủ công như thúng mủng, nong sàng, lồng, gầu, đòn gánh… Đại khái thế. Bà thường gánh hàng đi chợ từ sớm, mãi trưa mới về. Người ta chả vẫn nói: “Vui như mẹ về chợ”, với chúng tôi thì vui như bà về. Chỉ cần bà bước đến cổng, con cún đã chạy ra sủa liên hồi, nó nhảy cẫng lên như cả năm chưa gặp chủ. Cả đám cháu ùa ra chào hỏi, nhìn ngó, chờ đợi vài món quà vặt của bà, khi thì vài cái bánh rán, lúc thì cái bánh đa. Với bọn trẻ chúng tôi lúc đó thì đấy thực sự là thứ cao lương mỹ vị ngon nhất trên đời. Tính bà tôi tiết kiệm, nhưng là tiết kiệm theo kiểu lạ lùng là bà luôn mua rất nhiều những thứ người ta bán gộp cuối phiên chợ. Đồ nhiều, nhà ăn không hết, hỏng, lại phải mang đổ đi. Nhưng bà vẫn thích mua đồ rẻ như thế.
Bố mẹ tôi lo buôn bán trên thành phố, gửi cả bốn chị em tôi cho ông bà, khi đó, tôi vừa lên hai. Nhà chỉ có hai ông bà và 8 đứa cháu nhỏ. Không còn cách nào khác, đứa lớn chăm đứa nhỏ, đứa nhỏ học đứa lớn, chúng tôi cứ thế sống và trưởng thành như bụi cây, bụi cỏ.
Cô tôi lấy chồng muộn, nhưng lấy phải người chơi bời, ác chân tay. 4 giờ sáng một ngày mùa đông năm 1996, cô tôi vừa khóc vừa gọi bà ra mở cửa, trên tay là thằng em tôi, nó mới được ba tháng. Chú rượu say rồi đánh mẹ con, chẳng biết đi đâu, cô lại tìm về với bố mẹ. Bà tôi chẳng nói gì, lẳng lặng vào nhà, dọn chiếu giường cho mẹ con cô ngủ. Ba năm sau chú mất vì ung thư gan, cô cũng có thêm một đứa con gái. Ba mẹ con lại dắt díu về nhà ông bà ở từ đó đến nay.
Con có thể không thương cha mẹ, nhưng tôi nghĩ, chẳng có cha mẹ nào không thương con. Cô đi lấy chồng rồi cô lại trở về, một cách nghiễm nhiên, chúng tôi coi chuyện cô và hai đứa em sống ở đây là điều tất nhiên và không thể khác.
Hồi đó, tụi trẻ con chúng tôi chỉ biết chơi con khăng, chuyền đũa, nhảy dây, sút dép, đánh cầu bằng bảng đen hay kiếm cây về chơi đố lá. Suốt ngày loanh quanh chạy nhảy hết trong nhà, ngoài sân rồi ra ngõ nhỏ ngõ lớn, chơi nhiều đến nỗi mà cả cái sân rộng nhà ông tôi, tôi nhớ từng ô gạch vuông tròn nhẵn khểnh. Vài viền đất giữa các viên gạch bị chúng tôi đào lên làm hố chơi khăng, khi đó quật được con khăng đi xa tít, vào tận cửa nhà là hét ầm lên đã lắm. Ngồi bệt xuống sân mà vẽ những ô của trò ô ăn quan, mấy đứa khác thì chạy quanh tìm sỏi với gạch vỡ để làm quân, lấy hai viên ngói vỡ làm quan. Nhớ hồi đó tìm đủ quân bằng mấy hạt na hạt nhãn là thích lắm, chúng đen đen trông rất đẹp và sang chứ. Có vài nước đi mà lần nào cũng phải suy đi tính lại, một bốc ô giữa ăn quân, hai bốc ô cạnh quan ăn quan. Nhưng trúng thằng khôn, nó bốc ô cạnh ăn cả quân cả quan của mình. Cứ thế chơi chơi tính tính, học toán lại giỏi lúc nào không hay.
Cái trò nhảy ô là tôi khoái lắm. Nhảy ô đá dép cũng vui. Tôi khoái là vì tôi vẽ ô rất thẳng, rất đẹp. Cầm viên gạch đi giật lùi kéo một phát, không cần đo đếm gì tôi vẫn vẽ được đường kẻ ô như đo li. Chẳng thấy ai khen, nhưng kệ. Vẽ thì thế nhưng chơi thì toàn thua, nhất là ô 5, ô 6, ném thì toàn hụt rồi lố, văng xa đi tận đâu. Ô 10 là ngon lành nhất, nhảy lò cò băng băng để đích rồi đá veo một phát. Nhiều lúc ẩu, nhảy đè luôn vào vạch. Thế là xong.
Chơi chán rồi, lại đói, muốn ăn. Sát nhà có cụ Lý gầy móp, cụ bán đồ lặt vặt cho cả nửa xóm. Chắc khi đó cụ mới khoảng 70, gầy như trông khỏe mạnh. Cụ có mấy người con nhưng chẳng đứa nào chịu chăm cụ, toàn bỏ đi làm ăn ở đâu ấy, mãi chẳng thấy về. Có chú con út thì bị nghiện, bài bạc vay nợ nhiều rồi đi ăn trộm. Mấy lần bị bắt, phạt, nhốt ngoài ủy ban rồi lại được thả. Tình làng nghĩa xóm nên chẳng ai truy. Nhà cho đi cai nghiện nhưng lại bỏ về. Cơn nghiện vẫn lên, tiền không có, quẫn thuốc treo cổ tự tử luôn trong nhà. Cụ Lý cứ ngày ngày bán đồ, từ kim chỉ bấc đèn cho người lớn đến bỏng ngô, bóng bay cho trẻ con.
Ngày đó còn có 100 đồng được hai cái kẹo dừa hay hai cái bỏng gậy. Tôi thích nhất là món bỏng gậy, có màu hồng màu trắng. Mua về rồi tách ra thành từng thanh nhỏ giả làm điếu thuốc. Cả lũ đều làm thế, rồi giả làm đại ca, đồ đệ châm thuốc cho nhau. Rõ khổ.
Xưa nhà còn cái tivi đen trắng, được coi là hàng sang lúc bấy giờ chứ. Quanh xóm nhiều người cơm nước buổi tối xong là dắt nhau sang nhà tôi, ngồi đầy cả sân để xem phim. Cả cái tivi có ba cái nút xoáy nhỏ và một cái nút xoáy lớn để chọn kênh. Chẳng nhớ là có những kênh gì nữa, chỉ nhớ là có chiếu Tây du ký, Cô gái đại dương… Về sau còn có Thép đã tôi thế đấy. Tôi còn ám ảnh mãi về một bộ phim kinh dị Cánh chim cô đơn giữa biển người, có nhân vật Alexander de Santiago gì đó. Kết phim là có một cánh tay giữa một biển gì màu trắng. Chẳng nhớ nổi nữa, đến bây giờ tôi vẫn cố tìm để xem lại nhưng không còn thấy nữa…
Giờ thì mỗi ngày mỗi lớn. Anh chị em người lo học hành, người lo công việc, còn chuyện gia đình, chồng con. Ký ức đẹp muốn giữ mà cứ rơi rớt hết chẳng thể làm khác được. Lại thấy buồn, giá mà được quay lại ngày xưa!
An Nhàn
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.