Ai cũng có một tuổi thơ được xem là quá khứ, một phần kỷ niệm hay những gì gợi nhớ thương trong tâm hồn. Tuổi thơ của tôi ngọt ngào như dòng suối mát, nhưng cũng hung hăng như một con sông mùa lũ. Đó là một tuổi thơ không bình yên, nhưng cũng đủ mơ màng để in dấu trong sâu thẳm tâm hồn tôi.
Ngày nhỏ, tôi là một con bé còi cọc, ốm yếu. Nhà tôi nghèo, ông bà nội và bố mẹ chắt chiu cho đứa cháu nội đầu tiên những miếng ăn ngon nhất, nhưng cũng không đủ cho tôi phổng phao lên được. Ngày ấy, hình ảnh của tôi là một con bé gầy còm, trán dồ, da cháy nắng chạy nhảy la hét cả ngày, chưa đến tối mà đã lăn ra ngủ. Vì tôi nghịch ngợm nên ngay từ nhỏ đã gặp phải nhiều tai nạn, có những lần tưởng như không thể sống được, thế mà tôi vẫn sống. Tôi hiểu đó là nhờ sự che chở của rất nhiều người xung quanh và cả những "thế lực siêu nhiên" mà tôi không thể nhìn thấy, cùng với nụ cười may mắn của số phận mang lại.
Nơi tôi sinh ra là một miền quê như bao miền quê khác của đất nước Việt Nam. Mái đình cổ cũ kỹ, mốc meo, trước sân đầy lá rụng. Đến giờ, tôi vẫn ngước lên nhìn cây đa cổ thụ chắn ngang cổng làng để thấy mình thật nhỏ bé. Tôi nhớ ngôi nhà ba gian với những cột tròn trắng tinh, những cửa sổ trổ xanh biếc về phía Tây, nơi có thể nhìn thấy ánh đỏ cuối cùng của ngày mặt trời lặn, đẹp rực rỡ. Tôi lại nhớ đến "Tờ hoa" của Nguyễn Tuân với câu chuyện hoa hồng xanh "một thứ hoa hồng xanh biếc vuông vắn", mà thực chất là ô cửa nhỏ nhìn ra cả thế giới đẹp đẽ bên ngoài.
Tôi lại nhớ bờ giếng sát gốc dừa vẫn thường tắm một mình sau khi chạy nhảy đẫm mồ hôi và ngước cổ nhìn cây dừa lấp loáng trong ánh trăng. Lúc đó trong đầu tôi thoáng hiện lên một suy nghĩ trẻ con vu vơ, mong lớn nhanh để có thể trèo tít lên ngọn dừa giống bố. Tiếc là tôi chưa kịp lớn để leo lên ngọn dừa thì nó lại bị chặt mất. Người bạn "ra đi" làm tôi khóc một đêm sưng cả mắt. Cảnh vật tuy thay đổi nhiều, nhà cũng xây lại khác trước, nhưng tôi vẫn nhớ gốc dừa đứng ở đâu. Cây dừa ra đi chỉ còn lại bờ giếng hoen rêu, nước mùa này đang cạn nằm lẻ loi như nói rằng "tôi vẫn cô đơn".
Trong suy nghĩ của tôi, tôi cố nghiêng đầu nhìn qua những rặng cây tu hú, lá nhuộm đỏ màu của bụi đường, gốc đinh lăng nhỏ khép mình lặng lẽ, cây mít già xù xì ngủ ngon lành trong một góc vườn. Tôi cố tìm lại cái hàng rào bao quanh mỏng manh có một lỗ thủng mà hồi bé tôi bò qua trốn, để được đi chơi trong những ngày hè nắng. Tôi gọi tất cả ký ức trong tim là kỷ niệm, những kỷ niệm nhớ mãi và luôn khắc ghi trong tâm trí tôi.
Hàng xóm của tôi là lũ con trai đen thui, nghịch ngợm nhưng lại rất ngố. Tôi đá bóng, trèo cây và thậm chí đánh nhau với chúng, rồi lại về bày đồ hàng chơi một mình. Tôi nhớ những lời cằn nhằn của bà nội về những cái áo lấm lem vết bẩn, những vết thương trầy trụa rớm máu sau trận đánh nhau. Tôi nhớ cả những lần trong bệnh viện, cứ nhìn thấy bóng áo trắng là tôi lại khóc thét lên, nỗi sợ ám ảnh cả trong giấc mơ, khiến cho giấc ngủ tôi thêm quằn quại.
Bây giờ tóc tôi đã khá dài, nhưng vẫn nhớ những ngày tóc ngắn cũn cỡn theo chân bọn con trai chạy khắp xóm, chân tay không lúc nào không có vết xước, chỗ nào cũng thấy sẹo. Chính vì vậy nên tôi chẳng thích (mà cũng chẳng dám) mặc váy ngắn ra đường. Mái tóc ngắn và cái tính ngang ngược, cộng với khuôn mặt đen nhẻm khiến ai cũng nghĩ tôi là con trai. Ngày ấy đã xa lắm rồi, xa như chính tuổi thơ của tôi vậy.
Dư âm của tuổi thơ tôi vẫn còn mãi. Giờ đây tôi thích chạy nhảy hơn là ngồi một chỗ may vá thêu thùa, thích đi giày thể thao hơn là những đôi giày búp bê xinh đẹp, thích mặc những cái áo rộng thùng thình hơn là những cái áo chiết eo. Cuộc sống cứ tiếp diễn và bố mẹ tôi không ngớt than phiền về sự cẩu thả của tôi, về những món ăn mặn chát, khét lẹt, về chuyện suốt ngày làm vỡ bát đĩa... nhưng tôi chẳng thể làm khác được.
Nhiều khi tôi ước mình là con trai để bố mẹ không cần phải lo lắng nữa. Tôi có mạnh mẽ đến đâu thì vẫn chỉ là một đứa con gái, bố mẹ tôi lo lắng cho cô con gái bé bỏng yếu đuối của mình biết nhường nào. Tôi không muốn hai người buồn nên đã tập đi đứng, nói năng nữ tính hơn. Cũng vì không muốn một người nữa buồn nên tôi đã học thêu thùa, khâu vá, nấu nướng cho ra dáng thiếu nữ. Tôi đã thay đổi, nhưng ký ức về một ước mơ không thành ngày xưa vẫn vẫy gọi, thúc giục, chính vì thế đôi sự dịu dàng của tôi vẫn phảng phất chút bướng bỉnh và ngang ngược. Chẳng thế mà có người bảo tôi là đa phong cách.
Tôi đã từng bước qua những đoạn đường bằng phẳng, vui tươi nhất của mình và cũng không tránh khỏi những khúc quanh, ngã rẽ chông gai. Tôi biết mình vẫn chưa đi hết cuộc đời của một con người và sẽ còn nhiều điều đang đợi tôi phía trước. Tôi cảm thấy mình vừa mạnh mẽ, lại vừa yếu đuối, tôi biết mình không phải là một con búp bê không khóc, không cười, mà cũng có một tâm hồn, một suy nghĩ đa sầu đa cảm như ai.
Nếu tuổi thơ của tôi có hình hài cụ thể, tôi sẽ gặp nó để nói lời cảm ơn. Cảm ơn những năm tháng gian khổ, nhưng ngọt ngào, mang cho tôi một tâm hồn tuổi hai mươi biết yêu và biết sống. Cảm ơn vì đã cho tôi một điểm tựa để tìm về mỗi khi mệt mỏi trong cuộc sống. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng tuổi thơ dù là những tháng ngày bình yên hay sóng gió nhất cũng đáng trân trọng như bất kỳ quãng đời nào của một con người!
Phạm Thị Hà