Nhắc đến ngoại là con tim tôi bồi hồi, thổn thức. Ông bà có mười người con với vô vàn cháu chắt, nên trong tâm trí ông bà chỉ có cháu đích tôn, còn tôi đơn thuần chỉ là con của người con trai thứ tư của ông bà. Nhưng đối với ngoại, tôi là báu vật.
Tôi nhớ mãi lần về quê đầu tiên, năm đó chừng 8-9 tuổi. Cầm tờ giấy phép của ba mẹ, đọc lý do về quê mà lòng tôi hốt hoảng: “Về thăm mẹ ốm nặng”. Mẹ nhìn tôi bảo: “Phải nói thế họ mới đồng ý cho về con à”. Trong tôi hỗn độn bao cảm xúc buồn vui.
Chuyến xe từ Xuyên Mộc về Quảng Trị kéo dài ba ngày, hai đêm. Xe dằn xóc, ê ẩm, chật chội, các bắp thịt tê tái, mùi mồ hôi hòa lẫn phân gà, chó… nôn nao nhưng không ngăn được niềm phấn khởi trong tôi.
Tờ mờ sáng ngày thứ ba, mẹ lay tôi dậy: “Tới cầu Hiền Lương rồi con, quê ngoại đây rồi”. Tôi kéo chiếc cửa kính, một làn sương se lạnh ùa vào mân mê mái tóc khiến tôi bừng tỉnh. Phía xa xa, những rặng núi trập trùng trong sương sớm như bức tranh huyền ảo, cánh đồng lúa xanh non mơn mởn, mượt mà, mướt mát, e ấp trong màn sương như cô gái nông thôn đương tuổi xuân thì đang bẽn lẽn, ngại ngùng. Dưới chân cầu lịch sử huyền thoại, dòng nước lững lờ trôi, yên bình như chưa từng có bom đạn đau thương chia cắt, như tấm lòng hiền hòa của người dân vùng đất lửa linh thiêng.
Chúng tôi về đến đầu ngõ, tiếng chó sủa inh ỏi, bà lật đật ở trong bếp chạy ra, ông hối hả từ ngoài vườn chạy vào, ai nấy mắt rưng rưng ứa lệ. Bà vén tà áo ngượng ngùng lau giọt nước mắt hội ngộ mừng tủi, mắng yêu: “Răng chừ mới về rứa hè, làm mạ chạy vô chạy ra sáng chừ”.
Những ngày ở quê ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cậu Út dẫn tôi đi khám phá nhiều điều thú vị. Cậu đánh xe bò ra rú, tôi phấn khích khi được ngồi phía trước, thỉnh thoảng rẽ trái, rẽ phải cậu lại khẽ quật roi vào mông bò và gọi “tắc, rì” nghe ngồ ngộ. Tuy nhiên, có lẽ hôm ấy anh bò không chịu rửa tay trước khi ăn nên bị “bác tào” thăm hỏi, gần đến nhà thì một nước thơm tho tung tóe bắn vào hai cậu cháu. Eo ôi, nhớ đời!
Tôi còn ấn tượng về một đêm Rằm, khi ánh trăng bàng bạc xuất hiện, cậu cùng những người bạn trong xóm rủ tôi ra động cát. Chúng tôi len qua những ngôi mộ, tiếng gió khe khẽ rít bên tai hòa với âm thanh xào xạc của lá khô, tôi rùng mình sợ hãi, tay siết chặt tay cậu, chân như đông cứng, rên rĩ: “Cậu ơi, về đi”. Cậu trấn an tôi: “Đừng sợ, nhát rứa hì”. Tôi nhắm nghiền mắt, bước đi theo quán tính. Đến nơi, tôi mở mắt ra chao ôi đẹp quá, những động cát trắng tinh khôi nối tiếp nhau lấp lánh dưới ánh trăng tuyệt diệu. Cậu cùng bạn trèo lên đỉnh rồi thả mình lăn xuống chân động, tiếng cười hồn nhiên vang vọng cả không trung, tôi nhát cáy chỉ biết đứng nhìn trò chơi cảm giác mạnh của vùng quê, chỉ dám thả dép ra tận hưởng cảm giác mát lạnh của những hạt cát đang mân mê đôi chân trần.
Tối hôm sau, cậu lại rủ tôi đi bắt cóc. Cậu bảo: “Mùa mưa ni, cóc nhiều, bắt về nấu cháo ngon lắm thơm như thịt gà rứa đó”. Tôi đứng trên bờ ruộng soi đèn pin, tiếng cóc nhái kêu, hương lúa ngòn ngọt phảng phất trong làn gió mùa hạ… Đó là cảm giác thanh bình mà hơn hai mươi năm rồi tôi không quên được… Ngày chia tay ngoại ướt đẫm nước mắt quyến luyến, bịn rịn.
Thời gian dần trôi, cứ khoảng năm, ba năm tôi lại về thăm ngoại, khi thì với mẹ, lúc với người thân. Những lần sau, ngoại đã già lom khom, cậu lấy vợ và rong ruổi với những tháng ngày đánh bò đi buôn, kiếm kế sinh nhai. Thương ngoại, nhưng mỗi lần về quê lòng tôi lại chùng xuống, vương vấn một nỗi niềm khó nói nên lời. Làng xóm hắt hiu buồn chỉ còn người già vì thanh niên đã ra phố, học tập làm việc, không ai muốn trở về cánh đồng làng với lũy tre xanh quạnh quẽ, họ tìm thấy niềm vui mới nơi phố hội đua chen. Căn nhà của ngoại trống trải chỉ có hai ông bà lủi thủi, những bụi chuối phất phơ héo úa. Cám cảnh, ba mẹ tôi bảo ông bà vô Nam nhưng ông nói : “Đi rồi ai nhang khói, hương hỏa cho tổ tiên”.
Chiều, chiếc điện thoại nhỏ rung lên. Đầu dây bên kia mẹ bảo: “Khi nào con về, bà ngoại có gửi cho ít lạc, con nhớ gọi cho bà”. Tôi trả lời qua quýt: “Dạo này con bận, khi nào sắp xếp được thì con về”.
Dòng xoáy thời gian quá mạnh mẽ, vô tình, hay cơm áo gạo tiền đã chai hóa con người tôi?
Một mùa hè nữa lại về. Mưa rả rích rơi. Ngồi trong căn phòng trọ lạnh lẽo, tôi lại nhớ đến nồi cháo cóc thơm lừng, nghi ngút tấm lòng của ngoại, khóe mắt khẽ cay cay.
Ước gì được trở về tuổi thơ!
Ngô Thị Ngọc Nhung