Trong guồng quay của kế hoạch đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá, ngoài khu quân sự, Mỹ còn cho B52 trải thảm xuống các bệnh viện, khu dân cư. Khâm Thiên ngày 26/12/1972 chìm trong biển lửa và sau một đêm trở thành đống đổ nát.
Ông Nguyễn Văn Cầu (ngõ Sân Quần, Khâm Thiên) nhớ lại, được tin báo địch có thể đánh Hà Nội nên trước khi đến nhà máy in Hà Nội Mới để làm việc, ông dặn vợ con nhớ xuống hầm. 22hh45 còi báo động vang lên, ông được lệnh lên nhà số 75 Hàng Bồ, nơi có hai phân xưởng in của báo.
Một góc phố Khâm Thiên sau trận trải thảm của B52. Ảnh tư liệu. |
Đến nơi, ông Cầu thấy súng bắn bốn phía sáng lòa. Dứt đợt bom rơi, đài báo an, ông xin phép về nhà xem tình hình. "Đến đầu phố, lòng tôi rối bời khi thấy nhà cửa đổ nát. Chạy vội vào ngõ nhà mình, tôi thắt ruột khi mọi thứ tiêu điều. Căn hầm tập thể bị địch ném bom, hàng trăm người chết không toàn thây", ông Cầu nghẹn giọng.
Trong số 41 người chết khi đang trú ẩn ở căn hầm ấy, có vợ và con trai ông Cầu. Nhà chị gái ông mất hai người con, em trai ông là dân quân tự vệ cũng qua đời. Quá đau đớn vì một lúc mất đi 5 người thân, ông Cầu lao vào đống đổ nát bới tìm thi thể họ.
"Vợ tôi chỉ còn nửa người trên, con trai còn một cái chân, tôi nhận ra vì nó có cái sẹo bỏng ngày xưa, còn em trai thì không tìm thấy. Tôi chỉ biết nhặt nhạnh phần còn lại của người thân cho vào túi nylon", ông Cầu xót xa.
Ngay sau đó thành phố cho người đem áo quan đến Khâm Thiên, hôm sau đưa người bị nạn xuống Văn Điển. Thi thể em trai Nguyễn Văn Vũ của ông Cầu đúng hai tháng sau mới được tìm thấy, đầu vẫn đội mũ cối gắn sao tự vệ.
Ông Nguyễn Văn Cầu không bao giờ quên được nỗi đau mất vợ, con trai, em trai và hai người cháu đêm 26/12. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Còn bà Nguyễn Thị Lan (Khâm Thiên) thì không thể quên giây phút trở về nhà từ nơi sơ tán. Cán bộ ĐH Y nơi chồng bà làm việc về tận quê đón bà nói là có việc gấp. Trên đường đi, họ dần cho bà hay ông qua đời vì đợt rải thảm của B52.
"Mặt phố Khâm Thiên đổ nát, có nhà bay hết tường, có nhà còn lại nham nhở. Tôi về đến ngõ Chợ nhưng không còn nhận ra đâu là nhà mình vì tất cả chỉ còn là những hố bom, lổn nhổn gạch, đất", bà Lan kể.
Giọng nghẹn ngào, bà cho hay lúc ấy chồng bà vừa làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc về. Nếu không làm luận án tiến sĩ sớm thì thời gian về nước đúng thời hạn của ông là tháng 1/1973. Hôm Mỹ ném bom, ông ở lại Hà Nội vì cơ quan nhận một số máy móc thiết bị mới.
"Dưới những đợt mưa bom của B52, mẹ tôi, chồng và em gái đã chết vì sức ép của bom", bà Lan đau xót nói.
Clip: Khâm Thiên hoang tàn sau loạt bom B52 |
Không chỉ Khâm Thiên mà Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể 8/3 ... cũng bị B52 tàn phá. Hàng trăm người phải chịu nỗi đau mất người thân. Nữ dân quân tự vệ của nhà máy cơ khí Mai Động Phạm Thị Viễn mất mẹ, mất cha, một mình nuôi 5 đứa em khi mới 16 tuổi.
Phạm Thị Viễn đầu quấn khăn tang bắn rơi máy bay Mỹ trả thù cho bố, mẹ. Ảnh tư liệu. |
Mẹ Phạm Thị Viễn, người đàn bà tần tảo trên đường đi chợ bán rau đã gặp trận trải thảm của địch. Bà vội chui xuống hầm Linh Ứng (Tương Mai) trú ẩn. Hầm chật, người đông, một cháu bé xuống sau khóc nấc, bà vội tránh lên miệng hầm nhường chỗ cho bé. Địch ném bom, một viên bom bi bắn vào sọ cướp đi tính mạng của bà. Viễn đi giúp đồng nghiệp làm nhà, hôm sau trở về thì mẹ đã được mai táng.
Phạm Thị Viễn khai tăng tuổi để đi làm tự vệ. Đêm 21/12 địch điên cuồng ném bom, sáng 22/12 cô vào khu tập thể nhà máy đưa những người bị nạn ra ngoài. Cũng hôm ấy, bố Viễn đưa ba em trai đi sơ tán, ông và hai người em gái ở lại làm việc tại các xí nghiệp. Đến đêm, bom rơi trúng hầm của ông, ông và hai anh họ chết, 3 ngày sau mới tìm được một phần thi thể.
Nén nỗi đau gia đình, người con gái ấy chít khăn tang trực trên mâm pháo. Chị dồn sự căm tức lên đầu ngọn súng và đã bắn rơi một máy bay Mỹ. Nhà thơ Tố Hữu khi đến thăm trận địa của đội tự vệ, thấy Phạm Thị Viễn ngồi trực trên mâm pháo, đầu quấn khăn tang đã xúc động viết 4 câu thơ về chị trong bài "Việt Nam máu và hoa": Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...
Tượng đài tưởng niệm những nạn nhân bom B52 ở phố Khâm Thiên. Ảnh: Hoàng Thùy. |
40 năm trôi qua, từ những đống đổ nát, từ hố bom sâu, Khâm Thiên đã thay áo mới. Những nhà cao tầng mọc lên san sát, dấu tích tội ác của Mỹ chỉ còn lại ở đài tưởng niệm Khâm Thiên, ghi nhớ ngày giỗ chung của hàng trăm người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Cầu sau đó đã tìm được một phụ nữ hiền lành cùng ông nuôi các con. Hiện ông có 5 người con với 9 đứa cháu ngoan ngoãn. Là bí thư chi bộ khu dân cư số 3 phường Khâm Thiên, ông thường nhắc thanh niên phải biết ghi nhớ những ngày tháng chiến đấu hào hùng của quân dân Hà Nội, cố gắng học tập để dựng xây đất nước.
Còn cô gái Phạm Thị Viễn năm nào đã nuôi dậy các em khôn lớn, làm tổ trưởng Đảng, tổ phó dân phố, tổ trưởng phụ nữ... ở khu dân cư Trương Định, quận Hoàng Mai.
Vào khoảng 22h đêm 26/12/1972, 30 máy bay B52 ném bom rải thảm xuống đường phố Khâm Thiên, con phố đông đúc của trung tâm thành phố. Cả 17 khối phố bị thiệt hại, trong đó khối 44 đến 47 hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. Nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực, thực phẩm, đình Tương Thuận, di tích lịch sử, rạp hát, nhiều cơ sở sản xuất cùng hàng nghìn nhà dân bị sập đổ. Trận bom ấy đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em, làm cho 178 cháu trở thành mồ côi và 290 người bị thương. Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chi còn là một hố bom, bảy người sống trong ngôi nhà này không còn ai sống sót. Mảnh đất này trở thành một đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và một bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ. |
Hoàng Thùy