Nguyên là đài trưởng đài radar P35, thuộc Đại đội 45 (Trung đoàn 291) - đơn vị đầu tiên phát hiện, thông báo sớm B52 bay vào Hà Nội đêm 18/12/1972, đại tá Nghiêm Đình Tích cho rằng công đầu trong chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không thuộc về bộ đội radar phòng không.
Theo đại tá Tích, 19h ngày 18/12/1972, ông cùng các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích phát hiện ba dải nhiễu B52. Ngay lập tức, ông báo cáo cấp trên là B52 địch có khả năng vào miền Bắc. Trung đoàn trưởng Đỗ Năm báo cáo về tổng trạm radar Quân chủng Phòng không Không quân "B52 đang bay vào Hà Nội". Ngay sau đó, Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) đã báo cáo lên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đồng thời phát lệnh báo động cho Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và một số tỉnh miền Bắc.
"Đúng 19h40, B52 và máy bay chiến thuật đã đánh liên tiếp 3 đợt vào các sân bay Kép, Nội Bài, Gia Lâm, Hòa Lạc, Yên Bái và một số khu vực", ông Tích kể và khẳng định bộ đội radar đã không để tổ quốc bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích đường không của địch, tạo điều kiện cho các binh chủng đánh thắng B52.
Đại tá Nghiêm Đình Tích khẳng định lực lượng radar đã phát hiện và báo động sớm cho Hà Nội B52 sẽ tấn công trước 35 phút. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Đại tá cho hay, trong chiến dịch 12 ngày đêm, không quân Mỹ gây nhiễu ghê gớm hơn nhiều so với chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Họ gây nhiễu từ các hạm tàu, máy bay chuyên gây nhiễu ngoài đội hình EB66 (của Không quân), EA6B, EC121 (của Hải quân), nhiễu của các loại máy bay chiến thuật. Đặc biệt mỗi B52 có 15 máy gây nhiễu, 2 máy phóng nhiễu giấy bạc. Một tốp B52 gồm ba chiếc, tổng cộng có 45 máy tạo thành nhiễu dày đặc, đan xen, công suất rất lớn, phạm vi rất rộng.
Thời kỳ này hầu hết đài radar, nhất là đài radar cảnh giới, dẫn đường, điều khiển tên lửa, ngắm bắn của pháo cao xạ và radar trên máy bay MIG21 của Việt Nam đều bị nhiễu nặng, rất khó phát hiện được mục tiêu... Mặt khác địch còn tăng cường gây nhiễu, đánh phá đài radar. Chúng sử dụng B52 đánh đêm, trong khi lực lượng đánh đêm của Việt Nam rất mỏng, việc quan sát phát hiện B52 bằng mắt của phi công rất hạn chế.
"Có lúc đài radar cảnh giới báo cáo tất cả 360 độ đều nhiễu nặng, không thể phát hiện mục tiêu. Địch âm mưu bịt mắt chúng ta", ông Tích kể. Không thể ngồi im nhìn địch che mắt, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng đã tập trung chỉ đạo, tổ chức các hội nghị chống nhiễu B52.
Từ ba trận đánh thành công ở Vinh - Bến Thủy, Thanh Hóa, Hải Phòng, địch chủ quan, xem thường lực lượng phòng không của Việt Nam. Chúng huênh hoang động viên phi công rằng khi B52 vào đánh Hà Nội thì hệ thống nhiễu điện tử đã vô hiệu hóa lực lượng phòng không Bắc Việt Nam. Đánh Hà Nội sẽ như một cuộc dạo mát và sẽ trở về an toàn.
Nhưng địch đã sai lầm. Trên cơ sở khẳng định B52 vào đánh Hà Nội từ hai hướng Tây Nam và Đông Nam, Bộ Tư lệnh Quân chủng điều Trung đoàn radar 291 của ông Tích từ Hải Phòng vào Nghệ An, vừa đảm bảo cảnh giới vừa tác chiến phòng không trong khu vực, phát hiện B52 trên hai hướng để báo động B52 từ xa cho Hà Nội, Hải Phòng.
Bộ đội radar của đại đội 45. (Đài trưởng Nghiêm Đình Tích ngồi sau cùng, mặc áo trắng). |
Binh chủng radar còn được bổ sung lực lượng, phương tiện và điều chỉnh đội hình mạng radar trên miền Bắc tạo thành trường radar khép kín, vừa có khả năng chống nhiễu tốt, vừa đảm bảo phát hiện liên tục mục tiêu trên các tầng không. Đội hình chiến đấu này được bố trí kết hợp chặt chẽ giữa tuyến và cụm, tập trung lực lượng vào hướng, khu vực chủ yếu, xen kẽ giữa máy cũ và máy mới, giữa khí tài thô sơ với khí tài hiện đại, giữa các đài radar có dải tần khác nhau, giữa đài radar với vọng quan sát mắt. Các đại đội radar dẫn đường vòng ngoài kết hợp với mạng radar ở vòng trong làm tăng khả năng chống nhiễu, bảo đảm dẫn đường cho không quân đánh B52.
"Đội hình radar miền Bắc được bố trí tối ưu và khoa học, đúng tư tưởng chỉ đạo của thiếu tướng Vương Thừa Vũ, người chỉ đạo chiến thuật của Bộ Quốc Phòng là trong tác chiến phòng không hiện đại, kể cả trong điều kiện chiến tranh điện tử và vũ khí công nghệ cao phát triển, đội hình radar phải được bố trí để vừa có lực lượng phát hiện địch từ phía chính diện, vừa có lực lượng phát hiện từ phía cạnh sườn và phía sau", ông Tích kể.
Ngoài biện pháp chống nhiễu tầm chiến dịch thì Bộ tư lệnh phòng không còn tổ chức chống nhiễu tầm chiến thuật. Đây là tổng hợp các động tác chống nhiễu về kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm cụ thể của từng phiên ban, kíp chiến đấu và của từng đài trưởng, sĩ quan điều khiển, trắc thủ, các chiến sĩ thông tin vô tuyến.
"Tôi có thuận lợi là được học về nguyên lý điều khiển radar do các chuyên gia Liên Xô đào tạo từ năm 1968-1969. May mắn hơn là trước đó chúng tôi từng phát hiện ra B52. Trong năm 1967, địch mở chiến dịch vào Hà Nội cũng gây nhiễu rất nặng, chúng tôi đã xây dựng được quy trình chống nhiễu, phát hiện B52 rất tốt", đại tá Tích tâm sự.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm, đài radar của ông Tích có 6 máy thu sóng nhưng đều bị nhiễu. Qua kinh nghiệm, ông và đồng đội chỉ sử dụng một máy thu, 2 ăng ten trên và dưới hợp lý để chế áp nhiễu. Lúc này, trên màn hình chỉ còn dải nhiễu B52 rất nhẹ, nổi lên 3 điểm sáng bằng đầu tăm. Như vậy, đội đã phát hiện ra có B52.
"Mắt thần" radar không để tổ quốc bị bất ngờ trước cuộc tập kích bằng đường không của Mỹ năm 1972. Ảnh tư liệu. |
Nhờ những biện pháp trên, trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, Bộ Tư lệnh Binh chủng radar đã phát hiện và xác định chính xác B52, báo động sớm B52 tấn công trong trận đầu, đêm đầu cho Hà Nội 35 phút, các đêm sau từ 50 đến 60 phút. Do được bảo đảm radar tốt, các cấp chỉ huy chiến dịch - chiến lược đã nắm chắc tình hình địch, chiến đấu kịp thời, chính xác, các lực lượng phòng không, không quân được chủ động đánh B52.
Nguyên đài trưởng radar P35 cho hay, bằng sự phối hợp hiệp đồng với radar, bộ đội tên lửa phòng không đã bắn rơi B52 nhiều nhất, ngăn chặn âm mưu của Mỹ đưa Hà Nội, miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá. Chỉ tính trong số 34 chiếc B52 bị bắn rơi thì bộ đội tên lửa phòng không đã bắn rơi 29 chiếc, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ. Bộ đội không quân xuất kích 24 lần, bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 2 chiếc B52, 4 chiếc F4-D và một chiếc RA5C.
Sau thất bại trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược cuối năm 1972, một học giả người Mỹ thừa nhận, một trong ba nguyên nhân dẫn đến tổn thất của máy bay B52 là các radar của Bắc Việt Nam có thể vô hiệu hoá các biện pháp đối phó điện tử của B52. Người này cũng thừa nhận "năm 1972, sau một thời gian xây dựng, Bắc Việt Nam đã có hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới, đến mức nhiều người tin rằng các máy bay ném bom hạng nặng át chủ bài B52 của Mỹ khó mà sống sót".
Hoàng Thùy