Đó là một ngày hè con học lớp 1 cách đây đã hơn 15 năm. Ngày mà con chẳng thể nào quên sau bao nhiêu năm tháng. Đối với con, đó là hành trình đầu tiên trong đời mình, lần đầu tiên con được đi chơi xa. Cách nhà khoảng hơn vài chục cây số, với con, quãng đường như chưa bao giờ dài đến thế. Con đã tưởng tượng như mình đang đi đến tận cùng của nước Việt Nam này, con nhớ là con đã nói như thế với ba. Con đi với sự háo hức của đứa trẻ chỉ quẩn quanh ở ngôi nhà và trường học. Con hỏi về con chim, con bò, con dê... về chiếc xe, ngôi nhà, quán nhỏ... về cây cối, núi đồi, biển cả... về bất kể thứ gì con gặp trên đường, ba kiệm lời là thế nhưng vẫn cố giải thích cho con.
Rồi hình như con ngủ gục, con vẫn thường như thế mà (mãi đến cấp 2 con mới bỏ được thoái quen này). Mới đầu, con tíu ta tíu tít bao nhiêu thì giờ con im lặng bấy nhiêu. Chưa kể lâu lâu trán con đánh bốp vào mặt xe, ôi trời đau muốn xỉu luôn. Cái xe Honda Đam (ba vẫn thường gọi như vậy nên con biết vậy), cổ xe toàn sắt inox chứ không như xe đời mới bây giờ. Con thì ngồi phía trước nên hậu quả phải như thế. Vậy là ba một tay chạy xe, một tay đỡ con, rồi thì ba giả bộ nói chuyện, kể luyên thuyên điều này điều kia để con nghe, để con hỏi lại, để con cố chống hai mắt lên... để con không ngủ gục.
Những ký ức đó vẫn trong con mãi, chuyến đi đầu tiên trong đời con... cùng ba. Ta đến suối Lồ Ồ ở Vĩnh Hy. Chỉ cái tên của con suối thôi con đã vặn vẹo ba mất mấy phút đồng hồ. Để cuối cùng con nhận lấy câu trả lời: "Thì cái tên nó như thế ba làm sao biết được tại sao lại như vậy?". Giờ điều đó với con đơn giản lắm, Google phát là ra ba ơi... Vậy mà con vẫn thích câu trả lời của ba nhất!
Muốn đến suối ta phải qua cây cầu gỗ, cầu nhỏ xíu vừa một chiếc xe máy được ghép bằng những tấm ván nhỏ, hai bên thành cầu được kết bằng những sợi dây thừng. Ba chạy xe máy qua, con ngồi trước mà mặt mày tái mét, con sợ kinh khủng luôn. Dưới cầu toàn là nước. Xe chạy đến đâu, cây cầu run lên bần bật đến đó. Chút xíu nữa là con khóc thét lên rồi. May là con không làm thế, chứ không là ăn một trận đòn ngon luôn vì cái tội đòi đi theo để mất công ba phải chăn dắt thế này.
Và rồi ta bắt đầu hành trình đi bộ để lên được ngọn thác lớn nhất. Ngọn thác đầu nguồn đổ nước cho con suối Lồ Ồ. Vì thế nó cũng có tên là thác Lồ Ồ. Đoạn đường phải vượt qua những đá trơn, những bụi rặm gai góc. Thế mà ba và con vẫn đến được, vì con được ba bồng gọn trên tay. Và chính tại ngọn thác này, hai cha con ta đã có một bức hình để đời. Ba bồng con đứng cạnh ngọn thác cao nhất có thể, ba cười tươi còn mặt con thì méo xẹo vì sợ rơi xuống nước, và sợ được chụp hình (Có bao giờ được chụp hình đâu nên phải sợ thôi).
Và hơn 15 năm trôi qua, giờ đây con mới quay trở lại ngọn thác đó. Con đã đặt mục tiêu là mình phải đến cho bằng được với nó. Cách đó một năm, con đã đến nhưng vì lạc đường, đi mãi vẫn không tài nào tìm ra ngọn thác nên đành quay về. Con thật sự hạnh phúc khi đứng tại nơi này, đúng vị trí mà ba bồng con chụp bức hình năm xưa. Rồi con ngước mắt lên nhìn ngọn thác. Giờ đây với con nó không lớn lao kỳ vĩ như trước đó hơn 15 năm nếu không muốn nói là bình thường và có phần nhỏ hơn những ngọn thác khác ở quê mình và cả nước Việt Nam này. Nhưng con vẫn thấy giây phút đứng ngắm nhìn ngọn thác thật thiêng liêng. Vì con cảm nhận được sự trưởng thành trong con.
Con đứng đó và những hình ảnh lúc bé của mình như quay trở lại. Con thấy một con nhóc nhỏ thó, đen xì, mái tóc bum bê cắt ngắn, một con nhóc hay khóc nhè và làm nũng với ba mẹ. Và một con nhóc cũng vẫn nhỏ thế, nhưng trắng hơn tí xíu, tóc vẫn cắt ngắn nhưng không đến nỗi ngố lắm, đứng đây ở hiện tại. Quá khứ như một thước phim ngắn hiện lên trong con. Con học hết cấp 1, cấp 2 rồi xa nhà lên thành phố ở cấp 3, đại học và giờ thì con vật lộn với cuộc sống mưu sinh ở nơi cách nhà mình hơn 350km. Mọi thứ như chậm lại để con cảm nhận. Con nhắm mắt lại trong giây lát, hít một hơi thật dài để không khí này, để hình ảnh này in sâu trong con tim mình, để con biết rằng con của ba đã lớn rồi, đã trưởng thành rồi... Qua đó, con cũng nhắc nhở chính mình rằng, ba của con cũng đã nhiều tuổi hơn, đã bắt đầu già đi. Ba có biết giây phút đó đặc biệt với con như thế nào không?
Gửi ba thân yêu của con, tình yêu và sự kính trọng. Có khi nào ba đọc được những dòng này? Con không mong điều đó. Vì con đang viết cho chính mình, ba à!
Nguyễn Thị Phương Ngân