Sau bài viết Biên giới 1979 trước 'biển người' phương Bắc, nhiều độc giả VnExpress là người trong cuộc- đã hồi tưởng và kể lại ký ức đầy đau thương mà không kém phần oai hùng:
Từ khi còn là một bé gái bắt đầu biết nhận thức về những câu chuyện xoay quanh ngày, tháng năm sinh của mình- và cho đến giờ, sắp đón sinh nhật tròn 40 năm tuổi. Tôi luôn tìm đọc những dòng tư liệu lịch sử, những câu chuyện kể...mà vẫn luôn cảm thấy thiếu, thấy chưa đủ...
Tôi- một đứa bé được sinh ra vào ngày 19/2/1979 trong hang đá tại Lũng Pán, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hoà, Cao Bằng.
Tôi cũng đã suýt bị bỏ mạng vì tiếng khóc có thể làm lộ chỗ ẩn náu của 5-6 hộ gia đình đang cùng trốn quân xâm lược - nếu như bố tôi không kiên định ôm tôi trốn đi chỗ khác, và mẹ tôi, người mới sinh con được một ngày tuổi cũng kiên quyết lết, bò, trườn, chui trốn cùng chồng con để không làm nguy hại đến đại gia đình gần 50 người.
Khi tôi lớn lên, đi học xa, và cho đến giờ đã sinh sống ở xa nhưng mỗi dịp về quê, có những gia đình quen vẫn hỏi chuyện và rưng rưng câu chuyện buồn. Vì nhìn tôi, lại nhớ đến những đứa bé được sinh gần thời điểm với tôi bị bỏ lại nơi hốc đá, hộc hang. Nhìn trong ánh mắt người còn lại là sự ân hận, hối tiếc, oán trách, căm hận... Sáng này ra theo thói quen mở trang báo mà gặp bài viết, và tôi đã khóc khi đọc đi đọc lại đến ba lần.
Ký ức những ngày này sẽ chẳng bao giờ tôi quên, dù khi đó tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ. Thím tôi về làm dâu ông bà nội tôi mà hành trang chỉ là những dòng nước mắt. Hai người em trai của thím đều hy sinh trong cuộc chiến này khi cả hai chú vẫn còn quá trẻ.
Một chú hy sinh khi con gái mới sinh được vài tháng tuổi, còn một chú mới có người yêu. Lúc đó tôi cứ thấy thím rất hay lôi tấm ảnh của hai chú ra ngắm và khóc rất lâu.
Tôi còn nhớ lúc chạy sang nhà hàng xóm chơi, mọi người hỏi tôi về cô dâu mới, tôi còn bảo "cô dâu mới toàn khóc nhè thôi". Ôi thím tôi, vẫn chẳng thể nào tôi quên được 40 năm sau ngày 17/2 năm ấy, bây giờ ngày này đã trở thành ngày kỷ niệm đám cưới của vợ chồng tôi. Cảm ơn tất cả những hy sinh của các chú, các anh.
Chú ruột của tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, mảnh đất Vị Xuyên sát biên giới Việt Trung. Tháng 5/2016 chú mới được về đoàn tụ với các cụ tại quê nhà. Bố tôi may mắn hơn được về với vợ con khi tôi mới được một tuổi. Hàng năm ông vẫn cùng các bác đồng đội lên đồn biên phòng 105 - Bạch Đích, Hà Giang thăm lại chiến trường xưa. Ông vẫn thường kể cho tôi nghe về nơi ấy, nơi mà hàng đêm tiếng pháo, tiếng AK đì đọp trên đồi, quân Trung Quốc nửa đêm đào cột mốc dịch chuyển sang đất Việt bị quân ta bắn rồi ta lại giành giật từng tấc đất với họ.
Cha tôi đi bộ đội năm 1975, đóng quân ở trung đoàn 567. Trực tiếp chiến đấu với quân địch, ông kể chúng đông lắm, vác trung liên RPD bắn cháy đỏ nòng không hết. Chúng pháo kích dữ dội, nhiều khi đoàn dân binh mang lương thực lên chiến hào, cả đoàn chỉ còn lại chưa đầy một nửa. Cầm nắm cơm dính đất bùn, dính cả máu của dân binh mà bộ đội khóc oà. Nhiều người không ăn nữa mà vác súng chạy đi tìm giặc. Giờ mỗi khi kể lại cho các con nghe ông đều rưng rưng nước mắt. Có một đồng chí cùng quê hy sinh, năm 2014 mới đưa được về nghĩa trang ở huyện nhà.
Thi thoảng nhớ đồng đội ông lại ra ngồi cạnh ngôi mộ và khóc. Xin lỗi cha, con đã không làm được theo lời cha, đã không thể trở thành một chiến sĩ Quân đội Nhân Dân Việt Nam
Luong Duc Hoan
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.