Đó là một trong hàng nghìn ý kiến bình luận của độc giả, sau loạt bài viết trên VnExpress về chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979.
Nhiều người lần đầu biết đến sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc
Video cuộc thảm sát phụ nữ, trẻ em của quân Trung Quốc ở Cao Bằng:
"Suốt quá trình từ lớp Một đến đại học, giờ mới đọc được những hình ảnh cụ thể này (tôi thế hệ 8x). Rất mong được đưa sự kiện này vào sách giáo khoa Lịch Sử Việt Nam", độc giả Nhutbhck nói.
Độc giả Hà Cúc chia sẻ: "Nó là lịch sử hiện đại mà đi học có thầy cô nào nói tới đâu ạ, bây giờ tôi mới biết".
"Tự nhiên tôi rơm rớm nước mắt, cảm giác nghẹn ngào và tự hào. Ngày xưa học cấp ba chưa bao giờ được học về cuộc chiến này", độc giả có nickname Mind Master chia sẻ
Độc giả nickname Nmh bày tỏ: "Chiến tranh khi chúng tôi chưa được sinh ra, mãi không hiểu được sự khốc liệt của nó cho đến khi được xem lại một loạt hình ảnh tư liệu quý giá này. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ nhớ mãi".
Độc giả xúc động khi đọc về Chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979
Bạn đọc Nguyễn Thu Hà chia sẻ: "Đọc bài viết mà lòng quặn thắt, nước mắt tuôn rơi. Nhớ lại những ngày này năm ấy cả vùng quê tôi ai cũng lo sợ, ngóng chờ tin tức của người thân ngoài mặt trận, rồi tin dữ tràn về vùng quê ấy, xã tôi cũng nhỏ thôi mà gần chục thanh niên đã ngã xuống trong trận chiến ngày ấy, trong đó có anh trai tôi".
"Tôi cũng vậy, cứ nhìn lại những hình ảnh này lại trào nước mắt. Nhà tôi nằm dưới chân cao điểm 161 (Lào Cai), gần 5h sáng quả đạn pháo đầu tiên vào cao điểm bị đuối tầm rơi trúng đầu hồi nhà tôi, mảnh đạn pháo làm đứt màn, rơi xuống nhưng rất may không ai bị thương.
Bố tôi chạy lên chốt chiến đấu cùng đồng đội. Bà và mẹ tôi vội lôi chúng tôi xuống hầm trú ẩn trong lúc mấy anh em vẫn đang mắt nhắm, mắt mở chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. 12h trưa chúng tôi nhận được lệnh đi sơ tán dần về tuyến sau. Và thời thơ ấu gian khổ bắt đầu từ đây (năm đó tôi mới lên 8 tuổi).
Cho đến tận bây giờ, những ngày kinh hoàng ấy vẫn in đậm trong tâm trí tôi, không thể phai mờ. Chỉ những ai là người trong cuộc mới cảm nhận được rõ rệt", độc giả Nguyễn Thu Hương nhớ lại.
Độc giả Hai Phong nói: "Đây chính là những khúc ca oai hùng nhưng bi tráng của dân tộc, chúng ta là những người con Việt mãi ghi nhớ những hình ảnh này, mãi ghi nhớ công ơn những người đã nằm xuống và cả những người còn sống đã tham gia cuộc chiến vệ quốc này".
Đề nghị đưa chi tiết sự kiện Chiến tranh biên giới phía Bắc vào sách giáo khoa
Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chỉ vỏn vẹn 11 dòng đề cập đến cuộc chiến biên giới phía Bắc:
Độc giả Dong Tan nói: "Cần lắm những bài viết như thế này để con em hiểu rõ thêm về chiến tranh năm 1979. Sách Sử của chúng ta nêu rất vắn tắt về cuộc chiến này hoặc gần như không đề cập đến trong lịch sử cấp 1 - 2".
"Những bài học lịch sử vô cùng lớn lao, chúng ta nên đưa những tư liệu này vô học đường. Để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, về tự do dân tộc. Tôi yêu Việt Nam dù sống trên đất Mỹ", độc giả Nambctt chia sẻ.
Đồng tình với những ý kiến trên, độc giả Nguyễn Văn Phương bày tỏ: "Đây là một trang bi tráng của lịch sử dân tộc Việt Nam, tuy nhiên trong sách giáo khoa không đề cập nhiều đến nội dung này, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đưa nội dung này vào sách giáo khoa để các thế hệ học sinh sau này biết được một giai đoạn hy sinh gian khổ của đất nước".
>> Xem thêm: Tôi lo ngại nếu môn Lịch sử bị 'xóa sổ'
Video được xem nhiều: Những người lính từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên về viếng đồng đội đã nằm xuống
Chia sẻ bài viết của bạn về môn Lịch sử tại đây.