Quân nhân, lực lượng phản ứng nhanh và cảnh sát là những người thường xuyên dùng kỹ thuật thở để giữ bình tĩnh và tỉnh táo trong các tình huống căng thẳng cao. Một trong những kỹ thuật được họ sử dụng nhiều nhất là "tactical breathing" (thở chiến thuật).
"Các chiến binh từ mọi nền văn hóa đã sử dụng kỹ thuật này trong nhiều thế kỷ để giữ cho tâm trí bình tĩnh và tập trung. Nó giúp tôi thoát chết vài lần trong những tình huống nguy cấp", Mark Divine, cựu Chỉ huy Hải quân SEAL của Mỹ, nói với Forbes.
Cách thực hành kỹ thuật thở chiến thuật bao gồm:
- Nhắm mắt và hít vào chậm rãi bằng mũi, đếm 1-2-3-4, hình dung từng con số khi đang hít vào.
- Nín thở và đếm 1-2-3-4.
- Thở ra chậm rãi bằng miệng và đếm 1-2-3-4.
- Lặp lại chu kỳ từ 3 đến 5 lần.
Kỹ thuật thở này có tác dụng kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, giúp thư giãn cơ thể. Kết quả khiến nhịp tim chậm hơn, huyết áp giảm, giải phóng tình trạng căng cơ, khiến người thực hiện bình tĩnh hơn rất nhiều.
Thở kiểu chiến thuật bắt nguồn từ pranayama, một phương pháp thở cổ xưa của Ấn Độ thường được thực hành trong yoga, theo Tal Rabinowitz, người sáng lập và giám đốc điều hành của DEN Meditation ở Los Angeles.
"Nó có nguồn gốc cực kỳ cổ xưa, với các kỹ thuật khác nhau để làm dịu, mang lại năng lượng, tinh chỉnh sự tập trung và thư giãn hệ thần kinh; tuy nhiên, quân đội đã phổ biến nó và đưa nó trở thành xu hướng chủ đạo", Rabinowitz nói với Well and Good.
Gần 46% người Mỹ cho biết họ thường xuyên cảm thấy căng thẳng. Do đó, kỹ thuật tactical breathing được áp dụng rộng rãi trong thời gian gần đây.
Căng thẳng ngắn hạn có thể làm tăng hiệu suất và hiệu quả công việc. Nhưng nghiên cứu cho thấy, căng thẳng mạn tính là một "kẻ giết người thầm lặng", tàn phá cả thể chất và tinh thần.
Khi căng thẳng xảy ra, cơ thể giải phóng cortisol và các hormone khác để khởi động phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy". Thông thường, hai chất này giảm xuống khi mối đe dọa biến mất. Nhưng khi căng thẳng trở thành liên tục, cortisol vẫn ở mức cao, dần dần phá vỡ các chức năng quan trọng của cơ thể theo thời gian.
Hậu quả của tình trạng này rất nghiêm trọng. Căng thẳng mạn tính có liên quan đến nhiều vấn đề, từ tăng cân, huyết áp cao đến yếu cơ, bệnh tim, thậm chí khiến hệ miễn dịch suy yếu. Ngoài ra, căng thẳng kéo dài có thể làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, đồng thời gây rối loạn giấc ngủ.
Hít thở sâu và tập thở đơn giản có thể ngăn chặn phản ứng này. Chuyên gia thần kinh học Ian Robertson gọi đây là loại thuốc tự nhiên của cơ thể, không để lại tác dụng phụ. "Kiểm soát hơi thở giống như uống thuốc an thần mini hoàn toàn an toàn", ông nói.
Thục Linh (Theo NY Post)