"Kỹ thuật mở ra một hướng đi mới cho các phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối, là xu hướng cá thể hóa trong y học", GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao, Bệnh viện Vinmec, cho biết hôm 6/5.
Theo GS Dũng, thông thường, phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước được thực hiện bằng cách bác sĩ lấy mảnh ghép (thường là một đến hai gân của nhóm cơ ở phía sau trong đùi). Sau đó, phẫu thuật viên sẽ sử dụng kinh nghiệm và dựa vào các mốc giải phẫu trong khớp gối để xác định vị trí khoan đường hầm để đưa mảnh ghép vào tạo lại dây chằng chéo trước.
Việc xác định đúng chỗ bám cũ của dây chằng không dễ dàng, các bác sĩ thường sử dụng các đặc điểm chung về giải phẫu khớp gối và dây chằng chéo trước theo kinh nghiệm và trong các nghiên cứu để xác định vị trí đặt mảnh ghép. Nếu không đủ kinh nghiệm, việc xác định thiếu chính xác vị trí đặt mảnh ghép dây chằng mới là hoàn toàn có thể xảy ra, do mỗi người sẽ có hình dạng và kích thước vùng bám của dây chằng chéo trước khác nhau.
"Phương pháp ánh xạ giải phẫu sử dụng công nghệ định vị 3D ra đời để giải quyết bất cập trên", GS Dũng nói, thêm rằng sử dụng các công nghệ hình ảnh 3D, các bác sĩ sẽ phân tích các thông số của khớp gối bên lành, và sẽ tạo ra một "bản sao soi gương", để tạo thành bản "thiết kế" cho bên bị tổn thương.
Nhờ phương pháp này, các bác sĩ có thể xác định toàn bộ thông số của dây chằng chéo trước, qua đó tính toán được vị trí tốt nhất và kích thước mảnh ghép phù hợp nhất để tái tạo dây chằng mới cho người bệnh.
Ngoài áp dụng với phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, các bác sĩ còn có thể áp dụng phương pháp này cho tất cả dây chằng khác ở chi thể (tay, chân). Vận động viên và người đam mê thể thao - nhóm có nguy cơ bị đứt dây chằng có thể nhanh phục hồi sau phẫu thuật.
Như trường hợp vận động viên Chương Thị Kiều gặp chấn thương nặng nề ở cả 2 chân vào giữa năm 2022. Các bác sĩ chẩn đoán cô bị đứt dây chằng chéo trước, rách sụn chêm nốt chân. Bệnh nhân được phẫu thuật một thì (cùng lúc 2 chân): tái tạo dây chằng chéo trước, khâu sụn chêm gối phải và phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước gối trái. Mục đích là để vận động viên có thể sớm phục hồi, quay lại thi đấu đỉnh cao. Đây là lần đầu tiên, một cầu thủ Việt Nam mổ cùng lúc cả hai chân.Sau 8 tiếng, các bác sĩ đã cứu được đôi chân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân di chuyển hoàn toàn bằng nạng và xe lăn suốt một tháng. Trải qua 9 tháng tập phục hồi chức năng, Kiều quay trở lại đội tuyển bóng đã nữ và tiếp tục thi đấu.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, cho hay những tiến bộ của các cơ sở y tế trong nước sẽ giúp người chơi thể thao chuyên nghiệp được điều trị tốt, không phải ra nước ngoài với chi phí cao.
Lê Nga