Góp ý về một kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT đề xuất, thạc sĩ Thạch Thị Đào Liên, giáo viên trường THPT Yên Viên (Hà Nội) đã có bài viết gửi tới VnExpress.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến toàn dân về một kỳ thi quốc gia chung thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc đổi mới hai kỳ thi quá gần nhau đã được xã hội hoan nghênh. Tuy nhiên, để có kỳ thi công bằng, nghiêm túc và hiệu quả thì còn nhiều vấn đề cần bàn.
Trước hết, phải khẳng định rằng, hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ có hai mục đích khác nhau. Thi tốt nghiệp THPT là để xác nhận về việc học phổ cập, đã cung cấp tri thức chung nhất, tối thiểu cho tất cả mọi người dân không hạn chế về số lượng tốt nghiệp. Còn thi tuyển sinh ĐH, CĐ là nhằm tìm nguồn nhân lực để đào tạo chuyên gia, những cán bộ chuyên sâu về một ngành nghề. Cuộc thi tuyển sinh này đòi hỏi phải có sự cạnh tranh, chỉ một phần thí sinh trúng tuyển.
Trong một xã hội phát triển, cần lao động ở nhiều cấp độ, ở nhiều trình độ khác nhau. Có nhiều ngành nghề, người lao động chỉ cần nắm vững kiến thức ở bậc phổ thông nhưng cần thông thạo về nghiệp vụ, tay nghề, có ý thức công dân, có nhân cách là có thể hoàn thành tốt công việc của mình, như làm nghề nông, công nhân các nghề đơn giản, giáo viên mầm non… Họ được đào tạo tại các trường dạy nghề, sơ cấp, trung cấp… Song xã hội phát triển cũng cần rất nhiều các chuyên gia, các cán bộ nghiên cứu, phát minh, sáng tạo khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng có trình độ đại học và trên đại học.
Về mặt nguyên tắc, đã học là phải có kiểm tra đánh giá. Nhưng kiểm tra đánh giá thế nào để tránh những tiêu cực, lãng phí, bớt căng thẳng cho học sinh và xã hội? Trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, từ hệ 10 năm rồi hệ 12 năm ở bậc phổ thông, chúng ta đã tổ chức được những kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ công bằng, nghiêm túc. Dần dần kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra có nhiều tiêu cực, dẫn đến dư luận xã hội cho rằng kỳ thi này không thực chất, không còn tin cậy để đánh giá chất lượng học của học sinh. Việc tìm ra một cách làm mới, một quy trình mới để có những kỳ thi tốt nghiệp THPT với kết quả đáng tin cậy là việc phải làm.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT cần tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia có quy trình chặt chẽ, nghiêm túc, chống được những tiêu cực đang diễn ra hiện nay. Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT là cơ sở để các trường dạy nghề, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học tham khảo tuyển sinh. Muốn vậy, đề thi phải bảo đảm phân hóa: Có một số học sinh điểm thấp, một số học sinh điểm cao và nhiều nhất là số học sinh đạt mức điểm ở giữa. Đề thi cũng cần bảo đảm chuyển dần từ yêu cầu kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực vận dụng kiến thức của người học, không gây xáo trộn lớn với giáo viên và học sinh.
Thi cử lâu nay còn nghiêng về đo lường kết quả học được cái gì chứ chưa phải đánh giá học sinh vận dụng kiến thức như thế nào. Dù, kiến thức là cơ sở của năng lực nhưng kiến thức chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, cần coi trọng đánh giá năng lực chứ không chỉ coi trọng kiến thức. Vấn đề chính là có quy trình, tổ chức thật khoa học và chặt chẽ để chống tiêu cực trong việc thi tốt nghiệp THPT, kết quả của kỳ thi phải được xã hội cho là đáng tin cậy.
Ba phương án thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia mà Bộ GD&ĐT đưa ra trưng cầu ý kiến có tác dụng kiểm tra khá toàn diện. Các phương án ấy chỉ khác nhau về mặt kỹ thuật. Đó là thi theo môn học, thi theo bài thi tích hợp. Nếu thi theo môn thì như cũ, còn thi theo bài thi tích hợp, Bộ cần biên soạn sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy, tập huấn cho giáo viên… Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nên giao cho các trường đại học và cao đẳng tổ chức dưới sự hướng dẫn, giám sát của Bộ GD&ĐT. Tùy theo mục tiêu đào tạo của từng trường mà có đề thi, có sự tuyển chọn phù hợp, hiệu quả. Có như vậy mới tăng cường được tính tự chủ của các trường đại học trong việc tuyển sinh và đào tạo theo đúng mục tiêu của mỗi trường.
Nếu tổ chức hợp nhất hai kỳ thi làm một (không tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ) thì việc coi thi, chấm thi nên thực hiện theo phương thức coi, chấm theo cụm có cả giảng viên đại học, cao đẳng cùng tham gia với giáo viên THPT. Giáo viên THPT không được coi thi, chấm thi học sinh trường mình.
Ba phương án ra đề cho kỳ thi quốc gia chung thay thế thi tốt nghiệp và thi đại học của Bộ Giáo dục: Phương án 1 là theo môn thi. 8 môn gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa. Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử và Địa). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội. Phương án 3 cũng thi theo bài. 11 môn học lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi. Theo đó, sẽ có bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ. Tất cả sẽ có 4 buổi thi được tổ chức trong 2 ngày, mỗi buổi thi một bài. |
Thạc sĩ Thạch Thị Đào Liên
Giáo viên trường THPT Yên Viên, Hà Nội.