VnExpress trích đăng bức thư được thầy Tạ Quang Sum gửi tới Bộ trưởng GD&ĐT.
"Là cán bộ quản lý trường học, tôi hết sức quan tâm đến việc cải tổ khảo thí mà như nhận định của Bộ trưởng đó là trận đánh lớn, mở màn cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Theo dõi hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và các cuộc hội thảo vừa qua bàn về vấn đề này, tôi nhận thấy lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các sở GD&ĐT, các trường ĐH-CĐ vẫn chưa thống nhất được danh xưng của kỳ thi, mục tiêu chiến lược và các giải pháp thực hiện.
Sau nhiều lần cải cách, các cuộc thi như kiểu và cách hiện nay đã tạo ra một hoàn cảnh rất bất ổn là toàn xã hội đã quen với kết quả tốt nghiệp xấp xỉ 100%. Bất chấp năng lực tự thân của con em, các bậc cha mẹ đều chỉ mong và chỉ chấp nhận con em mình thi đỗ. Tấm bằng tốt nghiệp THPT đã trở thành cứu cánh cho mọi gia đình, dù càng ngày giá trị của nó càng bị hạ thấp, chỉ còn thỏa mãn yêu cầu về tâm lý.
Kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ tiếp theo đã trở nên một loại phúc lợi xã hội mà ai cũng cho rằng mình xứng đáng được hưởng. Kết quả là mọi người bị cuốn vào cuộc chơi đầy tốn kém và kỳ vọng mọi ngả đường đều phải dẫn đến trường đại học. Từ đó chiến lược phân luồng bị phá sản, tình trạng lạm phát trường đại học, lạm phát bằng cấp, thừa thầy thiếu thợ gây thiệt hại tài chính rất lớn cho gia đình, xã hội. Khủng hoảng đào tạo và cung ứng nhân sự trên thị trường lao động đang là hệ quả của nhiều chính sánh giáo dục bất cập, là mối nguy uy hiếp phát triển xã hội và kinh tế quốc gia.
Theo tôi:
1. Nên định danh là kỳ thi Tú tài để thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ như hiện nay.
2. Mục tiêu của kỳ thi này là để thống nhất tuyển chọn nguồn nhân lực quốc gia một cách thực chất. Đó cũng là nguồn dữ liệu về nhân sự cho các trường ĐH-CĐ xét tuyển hoặc sơ khảo sinh viên tiếp tục học lên cao. Kỳ thi do Bộ GD&ĐT tổ chức cấp quốc gia, quản lý toàn bộ về điều hành, ví dụ điều động nhân sự, công nhận trúng tuyển, xét cấp văn bằng.
Tại các tỉnh có khung lãnh đạo hội đồng khảo thí do Bộ bổ nhiệm, kiêm nhiệm công tác coi thi và chấm thi. Một phó chủ tịch UBND tỉnh là phó chủ tịch hội đồng khảo thí, phụ trách về cở sở vật chất, công tác an ninh. Giám thị và giám khảo được điều động liên tỉnh từ nguồn giáo viên THPT và giảng viên ĐH-CĐ cả nước.
Tổ chức chấm thi tại tỉnh, chủ tịch hội đồng khảo thí có thẩm quyền tại chỗ xét cấp giấy chứng nhận trúng tuyển tạm thời trong khi chờ đợi Bộ trưởng GD&ĐT thẩm duyệt. Văn bằng chính thức do Bộ GD&ĐT cấp.
3. Giải pháp thực hiện sẽ là:
Xét cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp bậc học THPT cho tất cả học sinh đã học hết lớp 12, để kết thúc bậc học và cơ bản ổn định tâm lý nhân dân. Giấy chứng nhận này do hiệu trưởng nhà trường đề nghị giám đốc Sở GD&ĐT chuẩn thuận, có giá trị bảo đảm quyền lợi: Xin việc làm, học trung cấp nghề, dự kỳ thi Tú tài.
Mọi môn học trong chương trình giáo dục phổ thông trở thành môn thi tương ứng, một số môn như: Thể dục, Công dân, Công nghệ, Tin học… được tổ chức thi trước vào cuối năm học lớp 12 trong lịch của trường theo quy định của Bộ, bảo lưu kết quả chuyển vào kỳ thi Tú tài với quy định điểm hệ số 01.
Các môn học khác có mặt đầy đủ trong kỳ thi quốc gia với quy định điểm hệ số 02. Trong đó có nhiều nhất 4 môn tự chọn thi theo lịch chung nhưng người chọn được quy định điểm hệ số 03. Điểm mang hệ số 03 là cơ sở xét tuyển chuyên ngành vào ĐH-CĐ. Cách làm này không gây xáo trộn lịch thi và tất cả thí sinh có mặt đầy đủ trong các buổi thi.
Mở rộng việc ghi danh tự do vào ĐH-CĐ. Các trường ĐH-CĐ trọng điểm và đặc thù được sơ khảo sinh viên từ kết quả Tú tài và được phép tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng.
Với phương tiện và công nghệ hỗ trợ hiện nay, Bộ GD&ĐT hoàn toàn đủ năng lực tổ chức kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015. Việc cần làm và làm sớm là thống nhất chủ trương trình Chính phủ, công bố kế hoạch chi tiết trong tháng 9/2014".
Tạ Quang Sum
Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo - TP Cam Ranh