Vượt hơn 20 km từ điểm thi về tối ngày 8/7, tôi mở cửa, bước vào nhà mình với tâm trạng lo lắng.
Bình thường, mỗi khi đi làm về, tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm và vui sướng, con tôi sẽ chạy ào ra đón và ôm chầm lấy mẹ. Thế nhưng hôm nay, tôi lặng lẽ rửa tay sát khuẩn trước khi mở cửa nhà, vứt khẩu trang vào thùng rác có nắp đậy, tắm và thay quần áo rồi mới dám sang nhà ngoại đón con.
Cậu nhóc năm tuổi thấy mẹ vẫn chạy ngay tới. Ôm con, trong đầu tôi vang lên câu nói của thầy giáo đồng nghiệp "chúng ta đi từ vùng dịch này sang vùng dịch khác". Lòng tôi phấp phỏng nỗi lo, "liệu có khi nào mình mang virus về cho con, cho bố mẹ hay không?". Bố mẹ tôi đều trên 60 tuổi.
Tôi được phân công gác thi ở một điểm cách nhà 21 km, các điểm tôi đi lại đều là nơi có số ca nhiễm liên tục tăng. Ba ngày chuẩn bị thủ tục và thi, tôi ra khỏi nhà lúc 5 giờ sáng, về lúc 6 giờ tối. Mỗi ngày, khoảng 7 đến 8 tiếng đồng hồ gác thi, chúng tôi đứng nhiều hơn ngồi. Bữa trưa mùa dịch nhanh gọn. Mỗi người một suất cơm, ngồi ăn trong một góc khuôn viên trường, giữ khoảng cách 2 m và không ra khỏi trường.
Nhưng tất cả việc đó không làm tôi cảm thấy cực nhọc, mà là nỗi lo cho gia đình, cho học trò. Nếu chẳng may các em phải bỏ dở kỳ thi khi có sự cố, nếu chẳng may cả điểm thi phải phong tỏa, cách ly... Áp lực ấy cũng đè nặng lên trưởng điểm, phó trưởng điểm, lãnh đạo hội đồng thi, dù chúng tôi cố tỏ ra bình thản trước học trò.
Trước ngày thi, một học sinh cũ của tôi có kết quả dương tính. Em và cả lớp ngỡ ngàng nhận tin không thể tham gia thi đợt một với cả trường. "Em sợ mình sẽ không còn tinh thần", em kể, "cảm giác các bạn đã thi xong còn mình không biết thế nào nó áp lực lắm cô ơi".
Học trò của đồng nghiệp tôi, có em phải ở nhờ nhà người khác để đi thi vì khu nhà mình bị phong tỏa. Nhiều trường hợp phải dừng thi vì phát hiện F0, F1 rải rác ở nhiều điểm thi. Giấc ngủ ban đêm của tôi ngắt quãng, ngày mai liệu có chuyện gì ở phòng thi không.
Kết thúc môn thi thứ hai, mở điện thoại ra, tôi và thầy cô cùng điểm thi "xanh mặt" khi đọc tin thí sinh ở TP HCM ngất xỉu và dương tính với Covid. Thương đồng nghiệp, thương học trò ở điểm thi đó. Tôi biết họ khó có thể tránh khỏi bất an, không nhiều em có thể làm bài thi tốt nhất trong tâm trạng ấy.
Thế rồi chúng tôi còn run hơn khi buổi sáng 8/7, trong giờ thi các môn tổ hợp, một thí sinh ở điểm thi của chúng tôi gục xuống bàn. Các thí sinh cùng phòng nhao nhác. Em được cán bộ giám sát đưa xuống phòng y tế trong khi đồng nghiệp tôi cố gắng trấn an các em còn lại bình tĩnh.
Rất may, kết quả test nhanh của em "âm tính" và sau đó em có thể tiếp tục làm bài. Hết giờ thi, cô giáo dìu em xuống phòng y tế mới khẽ khàng với tôi, "lúc ấy em thót cả tim, kết quả ra dương tính thì chiều nay chúng mình và học sinh không được về với gia đình".
Không nói quá lên nếu gọi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là một kỳ thi bão táp, khi từ phụ huynh đến thí sinh, từ lãnh đạo đến giáo viên đều lo lắng và áp lực. Không ai có thể thở phào sau giờ gõ trống thu bài cuối.
Anh chị ở TP HCM và cháu tôi gọi điện sau môn thi cuối cùng, chỉ để bày tỏ vui mừng vì con đã từ phòng thi trở về nhà, không đi thẳng đến một nơi cách ly. "Vừa đeo khẩu trang, vừa làm bài cũng ngộp lắm nhưng con ráng. Có bạn còn đeo cả hai lớp khẩu trang, không biết có thở nổi mà làm bài không", cháu tôi kể với dì. Cha mẹ cháu kể, họ mất ngủ mấy đêm vì ám ảnh con chẳng may gặp F0 hoặc có khi chính con là F0. "Nhưng bình an hay không thì phải đợi 21 ngày nữa mới yên tâm được", anh chị nói.
Dù kỳ thi được nhận định "cơ bản đạt được mục tiêu", có 96,15% trong số hơn 1.021.000 thí sinh đã dự thi, cả nước còn hơn 23.500 - chiếm 2,31% thí sinh - thuộc diện F0, F1 hoặc trong vùng phong tỏa chưa được thi. Chắc chắn các em sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng tâm lý. Và kỳ thi đợt hai, rồi kỳ thi vào lớp 10 đang được cân nhắc tổ chức mùa hè này ở một số địa phương cũng sẽ là thử thách lớn với giáo viên và học sinh.
Với một số cơ quan, dù kỳ thi này đã "cơ bản đạt được mục tiêu", nhưng với rất nhiều giáo viên, học sinh, đó là chuỗi ngày đầy âu lo, áp lực. Tôi sẽ không quên cảm giác từ lúc gọi thí sinh vào phòng thi đến lúc các em nộp bài, niêm phong sau khi hết giờ. Mỗi giờ trôi qua, tôi và mọi người như trút được một ít gánh nặng vì ít nhất chưa phát hiện F nào và kỳ thi có thể tiếp tục.
"Giờ chỉ mong không có số điện thoại lạ gọi đến báo rằng y tế sẽ đưa đi cách ly", cô giáo cùng điểm thi đã tạm biệt tôi khi ra về như vậy. Bởi tất cả chúng tôi, chẳng ai dám chắc mình có phải F0 chưa.
Trong cuộc đời làm giáo viên của mình, tôi đã giao rất nhiều bài tập cho học trò. Nhưng tôi biết, sau mỗi kỳ thi, nhiều bài học, công thức sẽ chẳng còn đọng trong trí nhớ, và thậm chí chẳng được dùng đến trong suốt đời các em.
Là giáo viên, tôi cũng biết rằng việc kiểm tra, đánh giá, thi cử không thể thiếu trong quá trình học tập. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dù nhận nhiều phản biện vẫn có vai trò nhất định của nó khi giúp thí sinh vào đại học. Song, kiểm tra cái gì và như thế nào vẫn còn là câu chuyện mà để đổi thay cần rất nhiều trí tuệ và can đảm.
Nếu có một ngày, việc tốt nghiệp phổ thông và vào đại học không còn là nỗi lo của hàng triệu gia đình, mà ngược lại, trở thành ngày học sinh chờ đợi và háo hức thể hiện mình, có lẽ đó là ngày giáo dục thực sự đạt được mục tiêu.
Phạm Minh Phương Hằng