Thấy thầy bước vào, hơn 20 em nhỏ lớp 4 tuổi đang ngồi ngay ngắn bỗng reo lên: "Thầy đến rồi", "Sao thầy đi đâu lâu thế?". Thầy giáo cười, đeo micro, bật tivi để bắt đầu tiết học "Bé là nhà phát minh", với bài học về dù lượn.
Trẻ được làm quen các khái niệm về lực hút trái đất, trọng lực, lực cản... qua hình ảnh, thí nghiệm thả tờ giấy và gói giấy ăn xem vật nào rơi xuống trước. Các bé còn được nghe giới thiệu về nhà bác học Newton, người đã nghiên cứu về lực hút trái đất. Lớp học cứ thế diễn ra sôi nổi.
Đây là một buổi học chủ đề khoa học tại lớp mầm non độc lập Evergrin Academy, dưới sự dẫn dắt của thầy Uông Minh Quân, 26 tuổi.

Anh Quân trong tiết học "Bé là nhà phát minh" hôm 24/3. Ảnh: Bình Minh
Quân từng cân nhắc học về giáo dục khi chọn ngành, nghề năm lớp 12 nhưng sau đó chuyển sang Khoa học máy tính theo định hướng gia đình. Năm 2022, anh tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính ở Đại học Georgia State, Mỹ. Sau khi về nước, anh làm kỹ sư phòng nghiên cứu dữ liệu của một tập đoàn sản xuất ôtô.
Làm về kỹ thuật nhưng anh luôn nhớ tới mơ ước trở thành thầy giáo. Sau khoảng hai năm đi làm, tháng 4/2024, anh quyết định thôi việc để nghiên cứu chuyên sâu và lấy bằng thạc sĩ giáo dục.
Đúng lúc đó, anh Quân gặp tiến sĩ tâm lý giáo dục Nguyễn Diệu Hương. Chị Hương có 10 năm kinh nghiệm gây dựng hệ thống mầm non có phòng Nghiên cứu và Phát triển.
Cùng chung ý tưởng mở một ngôi trường, nơi học sinh được học các môn ở phòng chức năng riêng, anh Quân đồng sáng lập Evergrin Academy. Anh có thế mạnh về các môn khoa học, lại có kinh nghiệm nghiên cứu nên làm phó giám đốc phòng Nghiên cứu và Phát triển.
"Nhiệm vụ của Quân là nghiên cứu, xây dựng và thử nghiệm chương trình", chị Hương nói.
Lớp mầm non 4 tuổi trong giờ học "Bé là nhà phát minh", hôm 24/3. Video: Bình Minh
Anh Quân cho hay đã phải đọc rất nhiều bài nghiên cứu. Anh cũng tìm hiểu giáo trình của các nước như Cambridge (Anh), Big Pre-School (Australia), Jumbo (Singapore) hay Engineering is Elementary (Mỹ) và nhận ra điểm chung là sách có màu sắc bắt mắt, nhân vật đáng yêu, chữ viết ít, nội dung súc tích.
Quân sau đó áp dụng vào viết giáo án cho môn Xưởng chế tác và Bé là nhà phát minh. Môn Xưởng chế tác gồm 11 chương, dành cho trẻ từ 2 đến 5 tuổi, với kiến thức khoa học ứng dụng như giải phẫu các lớp cơ thể, mô hình xương, cơ quan nội tạng... Trẻ sẽ được thực hành bằng cách tháo, ghép mô hình tí hon.
Theo anh Quân, trước tiên trẻ cần hiểu về bản thân, sau đó mới học đến điện và robot. Ở phần điện, trẻ được hướng dẫn cách lắp mạch điện đơn giản. Còn ở phần lắp ráp robot, lúc đầu học sinh làm theo mẫu của thầy, sau đó có thể sáng tạo bằng cách thêm ba lô, cánh quạt hay các chi tiết nào yêu thích.
Mỗi dự án môn Bé là nhà phát minh gồm 5 tiết, khuyến khích trẻ thể hiện và chế tạo các ý tưởng của mình. Bài học của anh Quân luôn bắt đầu và kết thúc bằng một câu hỏi về vấn đề cụ thể. Ví dụ: Con kênh cạnh trường đầy rác, bé sẽ làm gì để giúp nó sạch hơn?.
Anh cũng áp dụng chuyên môn Khoa học máy tính để dạy trẻ lập trình cơ bản như Scratch. Với hướng dẫn của thầy, học sinh tự thiết kế nhân vật để kể câu chuyện của mình.
Viết chương trình đến đâu, anh Quân thử nghiệm với học sinh đến đó, dưới sự giám sát và hướng dẫn của giáo viên có chuyên môn. Bài học của anh hoàn thiện dần nhờ được đồng nghiệp góp ý.
"Trẻ 2-3 tuổi còn đang trong giai đoạn làm quen nên tôi phải tối giản nội dung hết mức. Trong khi đó, nhóm 4-5 tuổi đã bắt nhịp rất nhanh và luôn thể hiện vượt kỳ vọng", anh Quân cho hay.
Anh kể trước khi đứng lớp thử nghiệm đã dự giờ đồng nghiệp rất nhiều để học hỏi. Thời gian đầu, anh gặp khó khăn khi trẻ không nghe lời và hiếu động. Bài giảng cũng nhiều thông tin khiến học trò buồn ngủ, mất tập trung. Để thu hút, anh thiết kế phần trình chiếu bắt mắt, thưởng sticker...
Dần dần, thấy trẻ hào hứng tương tác, mong chờ đến giờ của thầy để được khám phá, anh Quân biết mình đã thành công.

Anh Uông Minh Quân. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Quân sinh ra để làm thầy giáo. Cậu ấy luôn kiên nhẫn lắng nghe và giải thích cho các con hiểu", chị Hương nhận xét.
Chị Nguyễn Thị Nhất, phụ huynh bé 5 tuổi, cho biết sau những tiết học của thầy Quân, con sáng tạo, tự tin, tư duy logic hơn và rất thích học. Cậu bé mơ ước sau này chế tạo robot dọn nhà, rửa bát và đấm lưng cho mẹ.
Anh Quân cho hay đang nghiên cứu để dạy về AI (Trí tuệ nhân tạo) cho trẻ 5 tuổi. Tháng 9 tới, anh sẽ sang Anh học thạc sĩ một năm, sau đó quay về phát triển sự nghiệp.
"Tôi hạnh phúc vì được học sinh chào đón, nhưng quan trọng hơn là nhìn thấy trẻ tiến bộ và luôn tò mò, muốn tìm hiểu thế giới xung quanh. Đó là tư duy của các nhà khoa học thực thụ", anh nói.
Bình Minh