Anh Lê Hải Châu, 35 tuổi, người Bạc Liêu, hiện là giảng viên khoa Kỹ thuật xây dựng, Công trình và Môi trường, Đại học Bang Bắc Dakota, Mỹ. Học kỳ này, anh dạy hai môn về hợp đồng và điều kiện kỹ thuật, với 6 tiết mỗi tuần. Trước khi sang Mỹ, anh Châu có 5 năm công tác tại Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) của Bộ Xây dựng.
Theo anh Châu, từ một kỹ sư bám công trường ở Việt Nam trở thành giảng viên đại học một trường R1 (trường nghiên cứu) ở Mỹ là bước chuyển lớn, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của anh trong nhiều năm.
Anh Châu là cựu sinh viên chương trình kỹ sư tài năng, ngành Kỹ thuật xây dựng của trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM. Ngày đi học, được tiếp xúc với nhiều giảng viên ở nước ngoài về, anh Châu cũng mong một ngày bước ra thế giới để khám phá và học hỏi thêm. Năm 2011, anh được tuyển thẳng vào chương trình thạc sĩ sau khi tốt nghiệp đại học trong top điểm cao của trường. Từ đó, anh vừa học vừa đảm nhiệm vai trò kỹ sư đấu thầu, rồi nhóm trưởng đấu thầu của CC1.
Sau hai năm làm ngoài công trường, ở tuổi 27, anh được cất nhắc lên phó giám đốc dự án thi công xây lắp nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của CC1. Dự án có vốn khoảng 2.800 tỷ đồng, với hơn 200 kỹ sư và hàng nghìn công nhân. 6h hàng ngày, anh cùng các kỹ sư đến công trường làm việc và 18h theo xe trở về ký túc xá.
Công việc ổn định, thu nhập tốt, nhưng khi dự án sắp hoàn thành, anh suy nghĩ nhiều hơn tới tương lai. Lịch trình lặp lại hàng ngày ở công trường cũng khiến anh phần nào bớt hứng thú với công việc.
"Tôi quyết định thay đổi, nối lại ước mơ du học", anh Châu, nhớ lại.
Nghỉ việc năm 2016, anh tập trung học tiếng Anh và săn học bổng du học. Cũng năm này, anh trúng tuyển làm giảng viên Đại học Công nghiệp TP HCM. Môi trường làm việc thay đổi, từ chỗ đi lại nhiều ngoài công trường, anh Châu phải ngồi làm việc với máy tính. Anh cũng phải học cách soạn giáo án, lên kế hoạch giảng dạy và đánh giá sinh viên.
Trong một năm, anh Châu vừa đi dạy, vừa ôn IELTS và GRE (bài kiểm tra tiêu chuẩn để ứng tuyển sau đại học ở Mỹ). Anh cũng mất nhiều thời gian tìm hiểu thông tin về giáo sư, các bài báo đã công bố trên tạp chí của họ và tìm cách liên hệ. Năm 2017, anh Châu nhận được học bổng toàn phần tiến sĩ ngành Quản lý xây dựng tại Đại Học Bang Iowa, sau đó chuyển sang Đại Học Texas A&M do thầy hướng dẫn chuyển công tác.
Khác với lần đầu, bước chuyển lần hai thách thức hơn. Từ Việt Nam sang Mỹ, anh Châu phải làm quen với việc học, nghiên cứu ở cường độ cao hơn.
"Nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng khi đang có tất cả nhưng bỏ lại hết. Tôi đã phải dẹp cái tôi sang một bên để bắt đầu lại từ đầu", anh nói.
Nhờ nỗ lực và những trải nghiệm thực tế ở công trường, anh Châu dần thích nghi, tự tin trao đổi với các giáo sư về chuyên môn.
Tháng 8/2021, anh Châu tốt nghiệp tiến sĩ với điểm trung bình (GPA) tuyệt đối 4.0, xuất bản 8 bài báo trên tạp chí quốc tế, trong khi mức yêu cầu của ngành chỉ là 3.
Theo anh Châu, thông thường, các ứng viên mới học xong tiến sĩ như anh không có nhiều lợi thế vì phải cạnh tranh với các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ và các giáo sư đang làm việc tại trường khác khi xin việc. Hơn nữa, tốt nghiệp đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19, anh cũng không có nhiều lựa chọn.
Vì thế, anh nói may mắn khi nhận được lời mời phỏng vấn của 4 trường, trong đó có Đại học Bang Bắc Dakota. Anh Châu nhìn nhận cần thể hiện được thế mạnh trong hồ sơ ứng tuyển với các tiêu chí quan trọng là kinh nghiệm thực chiến, giảng dạy và nghiên cứu.
Ngày ở Việt Nam, anh Châu có kinh nghiệm làm việc, quản lý ở dự án lớn. Anh cũng từng là giảng viên đại học, khi sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, anh nhiều lần thuyết trình tại các hội thảo chuyên ngành. Không chỉ nêu các thành tích đạt được, anh còn liên kết kinh nghiệm thực tế của mình với việc giảng dạy - vị trí mà trường cần tuyển. Theo anh Châu, những kinh nghiệm ở công trường giúp anh có thêm ví dụ, kết nối lý thuyết với thực tiễn, hoặc giải thích chính xác các thuật ngữ, khái niệm trong sách cho sinh viên.
Về nghiên cứu, anh Châu có nhiều bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng như ASCE Journal of Construction Engineering and Management, ASCE Journal of Management in Engineering và Elsevier Automation in Construction. Anh Châu cho biết một số bài viết của anh nhận giải thưởng bài báo do tổng biên tập bình chọn năm 2018, 2020 và được đưa vào hộp công cụ dành cho kỹ sư của Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ.
Sau khi qua vòng hồ sơ, anh là một trong ba ứng viên đến trường phỏng vấn trực tiếp. Trong hai ngày, anh Châu phải thuyết trình về các nghiên cứu của mình; dạy thử và gặp gỡ các giáo sư, giảng viên, sinh viên để họ đánh giá.
Kết quả, anh Châu là người trúng tuyển, được Đại học Bang Bắc Dakota bổ nhiệm làm Assistant Professor (một trong ba bậc chức danh cho giảng viên đại học ở Mỹ, gồm assistant professor, associate professor và full professor).
Đến nay, anh Châu đã công bố 32 bài báo. Hướng nghiên cứu của anh là ứng dụng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu suất dự án xây dựng, cơ sở hạ tầng bền vững và linh hoạt, các công nghệ mới nổi và robot.
Từ kinh nghiệm của mình, theo anh Châu, nếu muốn học ở Mỹ, ứng viên cần chủ động tìm trường có ngành mình thích, xem điều kiện hồ sơ và chủ động liên hệ với các giáo sư.
"Khi đã xác định đi học tiếp, bạn cần làm ngay và không nên có lý do để trì hoãn. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, đáp ứng đủ điều kiện để cơ hội đến là nắm bắt được ngay", anh Châu nói.
Bình Minh