Eslam Negm là một kỹ sư 32 tuổi làm việc trên tàu kéo Baraka 1 của Ai Cập tham gia vào chiến dịch giải cứu tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez từ ngày 23/3. Sau nhiều ngày làm việc không ngừng nghỉ, Negm và các đồng nghiệp vẫn không thể khiến con tàu container khổng lồ nhúc nhích.
Đến sáng 29/3, Negm đứng trên boong tàu kéo Baraka 1 và nghĩ về tất cả những ảnh chế trên mạng về con tàu mắc kẹt. "Cả thế giới đang cười nhạo Ai Cập", anh kể hôm 31/3. "Không ai biết chúng tôi đã chịu áp lực lớn đến mức nào".
Một trong những ảnh chế đó là hình ảnh con tàu khổng lồ nằm cạnh chiếc máy đào đơn độc, như ngầm ám chỉ nỗ lực giải cứu tàu vô vọng. Nhiều người Ai Cập cũng chia sẻ rầm rộ những ảnh chế hay lời lẽ chế giễu về nỗ lực giải cứu tàu Ever Given chắn ngang kênh Suez.
Tàu Ever Given thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản, do công ty vận tải biển ở Đài Loan vận hành, treo cờ ở Panama và có thủy thủ đoàn người Ấn Độ. Tuy nhiên, Suez là một phần quan trọng của nền kinh tế Ai Cập nên các công nhân làm việc ở kênh đào này cảm thấy rất áp lực.
Cho tới ngày thứ ba con tàu mắc kẹt, hãng Lloyd's List ở London ước tính thiệt hại đối với thương mại toàn cầu có thể lên tới 400 triệu USD mỗi giờ. Khoảng 300 tàu bị ảnh hưởng khi không thể lưu thông qua kênh đào. Hãng vận tải biển khổng lồ Maersk cho rằng tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo dài nhiều tháng.
Chính những lời chế nhạo trên mạng và áp lực từ ước tính thiệt hại do sự cố gây ra đã khiến các kỹ sư Ai Cập dồn lực giải cứu con tàu. Từ ngày 23 tới 25/3, máy xúc vào 10 tàu kéo Ai Cập đã nỗ lực giải cứu con tàu trước khi một đội cứu hộ chuyên dụng của công ty Hà Lan Boskalis tới trợ giúp. Hai tàu kéo quan trọng Carlo Magno của Italy và Alp Guard của Hà Lan đã tới hỗ trợ vào ngày 28 và 29/3, theo Washington Post.
"Chúng tôi đều kiệt sức, đã tính đến khả năng thất bại nhưng vẫn quyết tâm", Negm nói.
Ngày 29/3, các kỹ sư tàu kéo vui mừng reo hò khi thấy Ever Given đã dịch chuyển nhẹ. Nỗ lực của họ cuối cùng được đền đáp khi thủy triều dâng. Khi con tàu cuối cùng được giải thoát, "chúng tôi đã quên hết mọi vất vả của mình", theo Mahmoud Shalaby, một nhân viên tàu kéo.
Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi cũng đã đăng Twitter ca ngợi việc giải cứu thành công con tàu để nhấn mạnh vai trò của công nhân Ai Cập.
"Bằng cách khắc phục mọi vấn đề bằng công sức của người Ai Cập, tất cả thế giới có thể yên tâm về con đường vận chuyển hàng hóa và nhu cầu vận chuyển của họ qua huyết mạch hàng hải này", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Business Insider)