Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo yêu mến những tác phẩm của Tô Hoài, ông tự nhận là người mê Dế Mèn. Nhà thơ cho biết, trước đây ông có nhiều cuộc tiếp xúc với tác giả "Dế Mèn phiêu lưu ký". Qua các tác phẩm văn chương và qua những lần gặp gỡ, ấn tượng sâu sắc nhất của Nguyễn Trọng Tạo về Tô Hoài là một con người, một nhân cách lớn. Nhà thơ nói: "Tô Hoài sống an nhiên với văn chương và cuộc đời. Ông đi qua hai thế kỷ, nổi tiếng từ khi còn rất trẻ, tới khi cao tuổi vẫn viết".
Những lần gặp gỡ, Nguyễn Trọng Tạo thường được uống rượu với Tô Hoài và nói chuyện thân mật: "Tôi thường hay hỏi ông chuyện cuộc sống, nhất là những chuyện yêu đương. Ông nói thoải mái lắm. Điều đó chứng tỏ ông là người lớn, nên không sợ những chuyện nhỏ".
Nguyễn Trọng Tạo kể Tô Hoài có cái nhìn nhạy cảm với đời sống văn học nghệ thuật. "Ông cũng nói về thơ. Trong các cuộc gặp gỡ ông ấy nói thích thơ người này, không thích thơ người khác. Có lần ông nói 'Tạo có Đồng dao cho người lớn hay lắm' khiến tôi rất vui".
Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Tô Hoài là một pho sử sống về văn chương Việt Nam và về Hà Nội. Anh kể, anh biết tới Tô Hoài từ khi chưa biết chữ. Năm 1967, Trần Đăng Khoa đã làm bài thơ Ò ó o để tặng nhà văn "Dế Mèn".
Sau này, Trần Đăng Khoa có nhiều dịp gặp gỡ Tô Hoài. Đặc biệt khi tham gia một chương trình của Bộ Giáo dục, Trần Đăng Khoa được làm việc và ở gần Tô Hoài trong một tuần liền. "Tôi thấy ông là một người kỳ lạ, một người không biết già. Dù ở tuổi nào vẫn viết, và viết không có sự trồi sụt phong độ. Nếu trong một hội nghị, thấy Tô Hoài viết lia lịa, ấy không phải là ông đang ghi lại diễn biến hội nghị, mà là đang viết văn" - tác giả của Hạt gạo làng ta nói.
Trong những lần được gặp Tô Hoài, Trần Đăng Khoa ấn tượng nhất về kiến thức và sự minh triết của ông: "Mỗi lần gặp tôi đều hỏi ông rất nhiều. Ông như một pho sử sống của Hội Nhà văn, hỏi về bạn văn, chuyện văn gì cũng biết. Kiến thức về Hà Nội của ông cũng đáng kinh ngạc. Ông biết rõ từng viên đá lát nằm trên con phố ấy có xuất xứ từ đâu, nó xuất hiện từ khi nào, và nằm ở đấy thì có ý nghĩa gì...".
Thuộc lớp trẻ ngưỡng mộ Tô Hoài, nhà văn Di Li cũng từng có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn lão nhà văn. Di Li cho biết chuyện phỏng vấn chỉ là một lẽ nhỏ, lý do sâu xa là chị muốn được gặp một nhà văn lớn, giống việc một người hâm mộ gặp ngôi sao của mình. Di Li coi sáng tác chuyên nghiệp là phải viết đều đặn, nên chị ngưỡng mộ Tô Hoài. Chị nói: "Ở tuổi ngoại bát thập, ông vẫn viết; thậm chí tôi còn thích các cuốn sách xuất bản về sau này hơn cả Dế Mèn phiêu lưu ký. Tuổi đó mà ông vẫn quan sát, vẫn lao động sáng tạo thì đáng ngưỡng mộ lắm".
Theo nhận xét của nhà văn Di Li, Tô Hoài là người rất nghiêm túc trong công việc. Chị nói: "Khi gặp Tô Hoài, tôi ngạc nhiên bởi cứ hình dung qua trang văn thì ông là một người hài hước. Nhưng khi tiếp xúc, tôi mới thấy ông là người nói chuyện nghiêm túc". Không giống những nhà văn thường nói rông dài, Tô Hoài có cách giao tiếp của một người quen làm quản lý. Di Li nhận xét: "Ông đi thẳng vào câu chuyện, không dài dòng. Ứng xử của ông chừng mực, tiết chế và có phần điềm đạm, đúng mực. Ông nói gì cũng sát ý chứ không lan man".
Khi Di Li gặp Tô Hoài, lão nhà văn đã ngoài 80 tuổi nhưng nói về thời sự văn chương ông đều nắm được. "Ông thể hiện sự hiểu biết về văn chương đương thời, tác phẩm của giới trẻ và nắm được các hoạt động văn học, chứng tỏ ông luôn theo sát đời sống văn chương" - Di Li nhớ lại.
Lam Thu