Phú Hưng Gia dự tính xây dựng một cao ốc, văn phòng, thương mại lớn, hiện đại ở vị trí này.
Cuối năm ngoái, trong cuộc họp với toàn bộ dân cư tòa nhà để thỏa thuận mức đền bù giải tỏa chung cư, Công ty Phú Hưng Gia "trả" giá xấp xỉ 100 triệu đồng mỗi m2. Dân chung cư có 30 phút trong cuộc họp để quyết định ký vào hợp đồng. 48 hộ dân, chủ của chừng ấy căn hộ chung cư, chấp thuận lập tức.
Mặt bằng chung cư 53-55 Bà Huyện Thanh Quan là một trong những khu đất vàng, tọa lạc tại vị trí đắc địa ở trung tâm TP HCM. Tòa nhà này nằm giáp ranh giữa quận 1 và quận 3, mặt tiền hướng ra 3 tuyến đường mua bán sầm uất là Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thị Diệu. Trước đây, chung cư do Ngân hàng nhà nước quản lý, phân cho hộ gia đình cán bộ, công nhân viên trong ngành. Năm 2007, chung cư được bán hóa giá theo nghị định 61. |
"Bán chung cư cũ còn dễ dàng hơn trúng cả chục tờ vé số độc đắc", một chủ hộ sống ở chung cư Bà Huyện Thanh Quan xuýt xoa. Bởi lẽ, theo bà, với số tiền 4-12 tỷ đồng, người dân dư dả trang trải các nhu cầu cuộc sống tái định cư như mua nhà cao cấp, tậu đất, kinh doanh, thậm chí là gửi tiết kiệm...
Sáng nay, chung cư Bà Huyện Thanh Quan chỉ còn lại vài hộ gia đình sinh sống vì chưa kịp hoàn tất thủ tục mua nhà mới. Người trông giữ xe chung cư, cũng là cư dân còn lại cho biết, sau thỏa thuận, chủ đầu tư đã chuyển ngay tiền đền bù cho dân qua ngân hàng nên rất thuận lợi để lên kế hoạch tái định cư.
Theo đó, các hộ có thời gian 5-6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng nhận tiền bồi thường để sắp xếp chuyển đi. Người dân tại đây cho biết, chưa bao giờ có dự án nào chủ đầu tư giải quyết hiệp thương mức đền bù, trả tiền nhanh chóng như Phú Hưng Gia.
Trước Phú Hưng Gia, nhiều công ty bất động sản khác đã ngấp nghé đàm phán đền bù để xây dự án tại vị trí chung cư Bà huyện Thanh Quan, nhưng cuối cùng thất bại vì không thương thảo được mức bồi thường.
Nguồn tin từ phía chủ đầu tư cho biết, cách tính giá đền bù chung cư Bà Huyện Thanh Quan dựa trên cơ sở tính diện tích đất toàn khu rồi áp giá thị trường chung. Sau đó, Ban quản lý chung cư cứ thế căn cứ vào diện tích của từng hộ mà quy ra tiền.
Chủ đầu tư chưa bình luận về mức đền bù kỷ lục này lẫn kế hoạch triển khai dự án.
Chung cư 53-55 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP HCM, hiện hữu. |
Vụ đền bù của Phú Hưng Gia được dư luận đánh giá là tích cực, tạo tiền lệ bồi thường giá cao, thực hiện nhanh khâu giải phóng mặt bằng. Không ít chủ đầu tư khác lo rằng họ đang gặp khó khăn vì phải đối mặt với kỷ lục rất khó phá vỡ trên.
Một doanh nhân hoạt động hơn chục năm trong ngành địa ốc nói với VnExpress: "Sài Gòn rất ít đất sạch, làm dự án nào cũng khổ vì giải phóng mặt bằng do mức đền bù thấp hơn giá thị trường. Do đó kỷ lục bồi thường 12 tỷ đồng một căn hộ chung cư cũ sẽ là rào cản lớn cho các doanh nghiệp đi sau".
Theo ông, thành phố sẽ rất khó kêu gọi đầu tư xây dựng chung cư xuống cấp trong thời gian tới. Bởi lẽ, tâm lý người dân luôn nghĩ chủ đầu tư trả giá thấp nên một mực đòi giá cao hơn, dựa vào mức trả của Phú Hưng Gia làm cơ sở so sánh.
Lãnh đạo công ty địa ốc này cho hay, thông thường cuộc thương thảo giá đền bù với dân có khi còn kéo dài hơn cả thời gian làm thủ tục, xây dựng và hoàn tất một dự án cộng lại. "Với đà này, nhiều đơn vị sẽ bỏ hẳn ý định đầu tư xây dựng chung cư cũ ngay khu trung tâm vì quá hoảng chuyện đền bù", ông nói.
Một chuyên gia lão làng trong lĩnh vực này cho rằng Phú Hưng Gia đã quá tay trong việc bồi thường chung cư 53-55 Bà Huyện Thanh Quan.
Ông nhận định, với mức đền bù này, suất đầu tư của doanh nghiệp phải thuộc vào loại siêu cao cấp, siêu sang trọng và chỉ hướng đến đối tượng khách nằm trong top giàu của xã hội thì may ra mới có lời.
Trao đổi với VnExpress, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển đô thị Viện Kinh tế TP HCM, ông Dư Phước Tân cho biết: "Bồi thường giá cao thì dân được nhờ, không phải chủ đầu tư nào cũng có cái tâm và khả năng tài chính để thực hiện tốt".
Theo ông Tân, cần hoan nghênh và công nhận mặt tích cực của mức kỷ lục đền bù mới từ Phú Hưng Gia vì người dân đảm bảo được cuộc sống, không lâm vào cảnh túng quẫn khó khăn sau giải tỏa. Đó là tính nhân đạo đằng sau ý nghĩa lớn lao của quy hoạch để phát triển đô thị.
Tuy nhiên, ông Tân cũng thừa nhận, các doanh nghiệp đi sau Phú Hưng Gia sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất trong việc đền bù giải phóng mặt bằng nếu đưa ra mức giá thấp hơn. Song, chuyên gia này vẫn nhấn mạnh không nên kéo lùi giá bồi thường kỷ lục vừa rồi.
Theo chuyên gia Viện Kinh tế, lãnh đạo TP HCM cần thành lập gấp một tổ định giá độc lập. Tổ này có quan điểm khách quan, xử lý công bằng để hỗ trợ người dân những thông tin chính xác nhất về giá trị nhà và đất trên thị trường.
Trong trường hợp những thỏa thuận giữa người dân, chủ đầu tư và thậm chí là với Nhà nước không thành, tổ định giá độc lập này sẽ hỗ trợ chuyên môn giúp hài hòa quyền lợi của các bên theo đúng pháp luật.
"Khó khăn của Việt Nam hiện nay là thiếu hành lang pháp lý quy định việc đền bù giải phóng mặt bằng. Cơ chế thỏa thuận cảm tính đôi khi gây ra nhiều đáng tiếc cho quá trình quy hoạch và phát triển đô thị", ông Tân nhận định.
Vũ Lê