![]() |
Lễ ký kết hợp đồng EPC gói thầu 1+4 Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Tổ hợp nhà thầu TPC gồm các đơn vị là Công ty Technip (Pháp), Technip Geoproduction (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha).
Theo ông Trần Ngọc Cảnh, Tổng Giám đốc Petrovietnam, đây là gói thầu chính và quan trọng nhất của dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, bao gồm toàn bộ các phân xưởng công nghệ, các phân xưởng phụ trợ, các hạng mục công trình chung khác trong phạm vi hàng rào nhà máy và hạng mục công trình nhập dầu thô.
Phạm vi khối lượng công việc của tổ hợp Technip trong hợp đồng 1+4 bao gồm thiết kế chi tiết, mua sắm vật tư thiết bị; xây dựng, lắp đặt; chạy thử, nghiệm thu và chuyển giao cho chủ đầu tư vận hành nhà máy. Ngoài ra, nhà thầu còn phải thực hiện công tác đào tạo đội ngũ vận hành và bảo dưỡng nhà máy cho chủ đầu tư; cung cấp các vật tư, hóa phẩm, xúc tác, phụ tùng thay thế trong những năm đầu vận hành.
Gói thầu 1+4 bao gồm 14 phân xưởng, trong đó có 9 phân xưởng phải mua bản quyền công nghệ. Tiến độ thực hiện hợp đồng là 44 tháng, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực (ngày 25/6). Trong đó giai đoạn hoàn thiện xây lắp là 36 tháng, giai đoạn chạy thử, nghiệm thu là 8 tháng. Thời gian bảo hành công trình theo hợp đồng là 24 tháng. Nhà thầu cũng cam kết sử dụng tối đa năng lực của các nhà thầu phụ VN.
Trị giá hợp đồng vào khoảng 1,564 tỷ USD, còn giá trị của cả nhà máy công suất 6,5 triệu tấn/năm này sẽ vào khoảng 2,5 tỷ USD. Như vậy là giá thành gói thầu số 1+4 cũng như giá thành cả nhà máy nói chung đã cao gấp hai lần so với khi dự án này được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa X (năm 1997). Tuy nhiên, đến nay, dự án mới chỉ triển khai được một số công việc ban đầu trị giá khoảng 200 triệu USD.
Theo các chuyên gia trong ngành, khó khăn lớn nhất khiến dự án đội giá là do phải phát sinh thêm 2 phân xưởng công nghệ để có thể cho ra được xăng Mogas 90, thay vì xăng Mogas 80, 83 như dự kiến ban đầu. Thêm vào đó, sự biến động tỷ giá giữa đồng Euro và USD (khoảng 40%), giá thép nguyên liệu và các loại vật tư đều tăng gần gấp 2 lần... khiến nhà máy đắt gấp đôi. Trong các lý do chậm trễ còn phải kể đến việc lựa chọn hình thức liên doanh 50-50 với Nga đã không phù hợp, dẫn tới việc phải xóa sổ liên doanh Vietross. Nguyên nhân cuối cùng là những yếu kém của phía VN.
(Theo Lao Động)