Tờ Der Spiegel của Đức cuối tuần trước đăng bài viết có tiêu đề "Kỷ băng hà trong quốc hội", mô tả tình cảnh của các nghị sĩ khi nhiệt độ trong tòa nhà quốc hội giảm xuống dưới 18 độ C trong đợt lạnh đầu mùa.
Quốc hội Đức (Bundestag) cùng nhiều cơ quan chính phủ trước đó thống nhất cắt giảm tiêu thụ năng lượng để đối phó khủng hoảng khí đốt, không vận hành hệ thống sưởi trong phòng quá 19 độ C, trong khi hành lang hoàn toàn không được sưởi ấm.
Nhưng điều này khiến các nghị sĩ phải tìm mọi cách giữ ấm tại nơi làm việc. Họ mặc áo cao cổ, cùng nhiều lớp áo và khăn quàng khi tới văn phòng làm việc.
"Bundestag ngày càng lạnh một cách khó chịu", phóng viên Tim Neuman của Der Spiegel mô tả. Nhiệt độ ngoài trời ở Đức hiện nay khoảng từ -3 đến 6 độ C.
"Tôi mặc áo khoác ngồi trong văn phòng, liên tục vận động làm ấm cơ thể, nhưng vẫn bị sụt sịt chỉ sau một thời gian ngắn", nghị sĩ đảng Xanh Renate Kuenast phàn nàn, cho biết nhiệt độ văn phòng của bà là 18,2 độ C.
Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga, phải chạy đua tìm nguồn cung thay thế và tăng cường dự trữ, trong bối cảnh lưu lượng khí đốt từ Nga giảm mạnh sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2.
Berlin còn đề xuất cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động nhiều hơn và giảm tiêu thụ năng lượng trong những tòa nhà công cộng. Các hộ gia đình ở Đức cũng được khuyến khích tiết kiệm năng lượng.
Ngày 15/11, Đức cho biết kho dự trữ khí đốt của nước này đã được lấp đầy hoàn toàn, một phần nhờ thời tiết năm nay ấm hơn. Cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur nói một số kho có khả năng chứa nhiều khí đốt hơn nên việc tích trữ "vẫn có thể tiếp tục ngay cả khi tỷ lệ đã đạt 100%".
Tuy nhiên, Klaus Mueller, giám đốc Bundesnetzagentur, hồi đầu tháng cảnh báo rằng kho dự trữ khí đốt của Đức có thể nhanh chóng cạn kiệt nếu thời tiết mùa đông lạnh bất thường và nhu cầu sưởi ấm của người dân tăng cao.
Đức Trung (Theo Spiegel, RT)