![]() |
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam (phải) và Bộ trưởng Công thương Namibia trao đổi văn kiện. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, các nước ký kết hiệp định với Việt Nam hôm nay phần lớn đều là thành viên của WTO, vì vậy sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập tổ chức kinh tế quan trọng này.
Những văn kiện được ký gồm Hiệp định thương mại Việt Nam - Namibia; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Namibia; Hiệp định Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Sudan và Hiệp định Hợp tác Kinh tế - Thương mại, Văn hóa và Công nghệ Việt Nam - Sierra Leone. Ngoài ra, Việt Nam còn tiến hành ký bản ghi nhớ Hợp tác song phương trong lĩnh vực nghề cá với Sudan.
Về hiệp định với Sierra Leone, theo ông Niên, trình độ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học ứng dụng của Việt Nam đều phù hợp với Sierra Leone. Vì vậy, ông cho rằng, Việt Nam có thể cử chuyên gia sang đây để đào tạo cho bạn, đồng thời từng bước xây dựng nôi đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên cho cả khu vực châu Phi.
Các văn kiện ký với Sudan là điển hình về mô hình hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi. Với hơn 37 triệu dân và diện tích lớn nhất châu lục, Sudan được đánh giá là có tiềm năng lớn về nông nghiệp và thủy sản. Vì vậy, cả Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Huy Ngọ và Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Sudan Magzoub El-Khalifa Ahmed đều đánh giá rất cao kết quả mà hai bên đạt được sau hai ngày hội thảo. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho biết thêm, Chính phủ Sudan sẵn sàng giao cho Việt Nam một diện tích đất khoảng 15.000 ha để xây dựng mô hình trình diễn về tổ chức sản xuất nông nghiệp. "Chúng ta có thể đưa chuyên gia sang để khuyến nông, làm những điểm trình diễn lớn cho bạn học tập. Thông qua đó, chuyển giao công nghệ trồng lúa nước, chăn nuôi, thủy sản, giúp bạn xóa đói giảm nghèo".
Cũng theo Bộ trưởng Lê Huy Ngọ, hiệp định ký kết với Sudan mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi. "Hàng năm châu lục này phải nhập tới hơn 1 triệu tấn gạo và phải thông qua các nước thứ ba. Trong giai đoạn đầu của hợp tác, có thể ta chưa đạt được con số xuất khẩu 1 triệu tấn đó. Nhưng tôi tin rằng, mục tiêu này sẽ sớm thành hiện thực sau khi ta tạo dựng được lòng tin, hỗ trợ một phần tín dụng cho bạn để cùng nhau hợp tác, phát triển".
Trong hai ngày làm việc tại Hà Nội, các đại biểu đến từ 23 nước và 10 tổ chức quốc tế đã tham luận và trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Các bên đã nhất trí đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - châu Phi cho xứng với tiềm năng. Đó là, tăng cường hơn nữa các cuộc gặp gỡ, trao đổi những đoàn doanh nghiệp hai bên, đặt thêm các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại các nước châu Phi và ngược lại, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên thông qua một tổ chức quốc tế hoặc một nước thứ ba.
Thông qua Hội thảo, đại diện nước chủ nhà và các quốc gia châu lục đen khẳng định sẽ tạo thuận lợi để doanh nghiệp các bên tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Á - Phi lần thứ 3 tổ chức tại Dacca, Senegal vào tháng 10 tới. Các đại biểu nhất trí rằng, trong tương lai cần thiết phải tổ chức những Hội thảo tương tự như ở Hà Nội vừa qua, vì nó có ý nghĩa thiết thực trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - châu Phi.
Song Linh - Đình Chính