Tại diễn đàn Mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam tổ chức tại TP HCM ngày 7/8, Chủ tịch KPMG Việt Nam - John Ditty nhận định hoạt động M&A đã tăng mạnh từ năm 2008 đến 2012, nhưng lại bắt đầu suy giảm vào năm 2013.
6 tháng đầu năm nay, thị trường này vẫn chưa có chuyển biến tích cực, các giá trị giao dịch nửa cuối năm cũng có phần thuyên giảm. Nguyên nhân là niềm tin của các nhà đầu tư ngoại với Việt Nam giảm sút, môi trường luật định thiếu nhất quán. Tuy nhiên, ông John Ditty cũng nhìn nhận, trong năm 2015, tình hình sẽ được cải thiện, xu hướng M&A có thể tăng trở lại khi các bên có những kỳ vọng thực tế và tính minh bạch cao hơn.
“Năm tới có thể sẽ có những giao dịch M&A lên tới hàng trăm triệu USD diễn ra, khi Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy quá trình cổ phần hoá. Tuy nhiên, để làn sóng thứ 2 này diễn ra mạnh và “che mờ” làn sóng thứ nhất thì Chính phủ phải thực hiện đúng những chính sách đã công bố”, ông John Ditty nói.
Cùng chung quan điểm với Chủ tịch KPMG Việt Nam, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cũng cho biết, nếu Chính phủ giữ đúng lời hứa sẽ cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp trong 2 năm thì dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông, đây là một con số khá tham vọng. Do vậy, trong quá trình cổ phần hóa nên được xem xét cẩn trọng.
Mặt khác, ông John Ditty cũng lập luận rằng nếu doanh nghiệp Việt không có sự chuyển mình thì đợt M&A thứ 2 này có thể chỉ là "gợn sóng" và quá trình cổ phần hóa tại các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn cũng chỉ mang tính hình thức, thiếu hiệu quả.
Để đảm bảo dòng tiền ngoại chảy vào Việt Nam không ảo, ông John Ditty khuyên, Chính phủ và nhà quản lý cần xử lý những yếu kém trong quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường tính minh bạch, trung thực và hạn chế những thông lệ không phù hợp và trái đạo đức. Cách định giá và thẩm định giá trị doanh nghiệp phải hợp lý và có thể chứng minh được.
“Giá cả cũng quan trọng, tuy nhiên giá trị cho sự phát triển thịnh vượng và lâu dài quan trọng hơn. Cho nên hoạt động mua bán và sáp nhập không nên chỉ nhằm mục đích thu lợi trước mắt”, ông John Ditty nhấn mạnh.
Ngoài ra, bên bán cần có sự chuẩn bị tốt tránh tung giá quá cao ra thị trường. Cần có sự chuẩn bị tốt và hiểu rõ nhu cầu của các bên mua tiềm năng nhằm đảm bảo một quy trình giao dịch hiệu quả. Cả bên mua và bán cần thuê các nhà tư vấn giàu kinh nghiệm (về thương mại, pháp lý, tài chính, thuế...) hỗ trợ quy trình giao dịch. Hiện nay, doanh nghiêp Việt còn kém trong hoạt động M&A nên hệ thống ngân hàng và tài chính cần phải hỗ trợ một cách phù hợp và đáng tin cậy hoạt động mua bán và sáp nhập.
Không chỉ các nhà nghiên cứu nhìn nhận sự thiếu sót ở doanh nghiệp Việt Nam, mà ngay đối tác M&A lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản cũng nhận định, doanh nghiệp Việt còn nhiều điểm chưa đạt trong các hoạt động M&A.
Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành Recof- công ty tư vấn mua bán sáp nhập của Nhật, cho biết, doanh nghiệp Việt cung cấp thông tin cho đối tác không đầy đủ, sự thay đổi trong hợp đồng thường xuyên xảy ra, cung cấp thông tin hợp đồng với nhiều nhà tư vấn cùng một lúc... Trong khi đó, đối tác Nhật lại chỉ chọn một đơn vị tư vấn và tập trung vào các thông tin thỏa thuận đáng tin cậy... Những thiếu sót trên cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng giao dịch M&A của Nhật tại Việt Nam 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ.
“Thế nhưng, tôi tin tưởng đó chỉ là xu hướng tạm thời. Bởi, Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển, có nhiều triển vọng hơn so với các nước trong khối ASEAN. Cho nên, Nhật Bản vẫn chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư và hợp tác", ông Masataka Sam Yoshida nói thêm.
Việt Nam đã trải qua làn sóng thứ nhất của các thương vụ M&A với tổng trị giá 15 tỷ USD giai đoạn 2008 - 2013, mà đỉnh cao là con số 5 tỷ USD vào năm 2012. Trải qua giai đoạn thứ nhất, M&A tại Việt Nam bước sang giai đoạn thứ hai 2014 - 2018 được kỳ vọng sẽ sôi động hơn cả về giá trị và số lượng thương vụ trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục, tái cơ cấu doanh nghiệp được đẩy mạnh và các văn bản Luật mới được thông qua. Làn sóng mới này được chờ đợi với giá trị ước đạt 20 tỷ USD, tăng hơn 30% so với giai đoạn thứ nhất. |
Hồng Châu